Ngày 20-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập". Hội nghị nhằm tìm ra lời giải cho những thách thức đối với thị trường lao động trong thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" - Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ (là nước có tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp, với 26,2%); chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) thẳng thắn cho rằng Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để có thể tận dụng được hết tiềm năng của thanh thiếu niên tốt nghiệp phổ thông. Về kỹ năng của lao động, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước.
Về kỹ năng, 17% lao động Việt Nam có bằng đại học và trên đại học. Việt Nam muốn tăng cường chất lượng lao động tới năm 2050 nhưng với đà này thì chỉ 15% lực lượng lao động được tiếp cận giáo dục đại học vào năm 2030, thấp hơn nhiều so với các quốc gia ở châu Á khác.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết báo cáo PCI 2021 do VCCI thực hiện cũng đánh giá chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI tương đồng với các nhận định trên. Đó là: Khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).
"Thách thức cho Việt Nam là có thể để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch Covid-19 và các biến động của chính trị quốc tế. Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng""- ông Công lo ngại.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Pouyen Việt Nam Tsai Wen Tsung đề xuất Chính phủ tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề, bồi dưỡng nguồn lao động chất lượng cao. Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao giúp doanh nghiệp có thể tăng cơ hội việc làm cho người lao động trong nước.
"Hy vọng Chính phủ sẽ đầu tư thêm nguồn lực vào các tỉnh phía nam để có thể tạo ra nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề cao để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở khu vực này"- Tsai Wen Tsung kiến nghị.
Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang: Trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại Khánh Hòa nhằm quy tụ những bộ óc lớn nhất thế giới
Góp ý giải bài toán nâng chất lượng lao động, Tổng Giám đốc Trường Hải THACO Phạm Văn Tài đề xuất nan hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để có thể thu hút ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài, chuyên gia cao cấp đến làm việc, nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ và tham gia phục vụ sản xuất nhằm tăng cường khả năng hội nhập quốc tế cho nhân lực Việt Nam.
Cùng quan điểm"hướng ngoại", Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết Vingroup đang tiên phong thu hút sử dụng lực lượng lao động với trí tuệ Việt và kinh nghiệm, tri thức phương Tây. Hiện nay, Vingroup có 3 mảng hoạt động chính: Công nghệ, công nghiệp; thương mại, dịch vụ; thiện nguyện xã hội. Với tổng số nhân sự 45.000 người, đang dự kiến tăng lên 150.000 người trong 2 năm tới.
Hiện nay Vinfast và Vingroup đang có gần 1.000 chuyên gia đến từ gần 20 quốc gia phát triển trên thế giới. Nghiệp vụ của các chuyên gia ở Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp triển khai các dự án nghiên cứu sản xuất trong mảng công nghệ, công nghiệp mà quan trọng hơn là tham gia vào quá trình đào tạo huấn luyện xây dựng đội ngũ nhân sự có chất lượng quốc tế.
"Trong 2 năm tới, tập đoàn cần 100.000 nhân sự, trong đó 20% là nhân sự cao cấp đã qua đào tạo tối thiểu là trình độ đại học; khoảng 10% cho khối sản xuất, phục vụ sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài" - ông Nguyễn Việt Quang nói.
Về kế hoạch 5 năm tới, Vingroup dự kiến xây đựng 500.000 căn nhà xã hội và một loạt dự án xây dựng được triển khai tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, TPHCM cùng với việc mở mới nhà máy pin tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), mở rộng sản xuất nhà máy ôtô điện ở Hải Phòng chúng tôi cần tuyển gấp khoảng từ 80.000-100.000 công nhân cho các dự án này.
"Trong vòng 3 năm tới, Vingroup đang có kế hoạch mở ra Trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại Khánh Hòa nhằm quy tụ những bộ óc lớn nhất thế giới với các chuyên gia đang sở hữu bằng sáng chế, các nghiên cứu chuyên sâu, Vingroup sẽ hỗ trợ họ phát triển ứng dụng để Việt Nam có một Thung lũng Silicon - nơi quy tụ tinh hoa của thế giới"- ông Quang chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường nêu thống kê của Tổng cục Du lịch, hằng năm, cả nước cần đến 40.000 lao động trong lĩnh vực này có trình độ những các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn.
Vấn đề quan trọng theo ông Đặng Minh Trường là cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho việc hạ tầng, đào tạo đi trước một bước. Để người lao động an cư lạc nghiệp thì cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động, hoặc chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng cần được hỗ trợ nhà ở. Để làm được điều này, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group , cần tăng trần hạch toán chi phí phúc lợi vào chi phí doanh nghiệp.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt chính sách hỗ trợ cho người lao động. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, giúp cung cấp lượng lớn lao động có tay nghề kịp thời cho các doanh nghiệp thiếu hụt sau dịch, đặc biệt đối với những lĩnh vực: May mặc, giầy da, điện tử… Chú trọng đào tạo theo các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.
Cùng quan điểm lãnh đạo Tập đoàn Sun Group, ông Nguyễn Đình Khang kiến nghị, đầu tư hạ tầng cơ bản để phục vụ cho người lao động tại những nơi thị trường lao động có hướng phát triển như ở các tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao lực lượng lao động xuất khẩu của nước ta thu nhập bình quân thường thấp hơn một số nước trong khu vực, cạnh tranh quốc tế còn thấp?...
Theo Thủ tướng, khi lao động trong nền kinh tế quá dư thừa, thiếu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp cao có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí bất ổn xã hội, chính trị; ngược lại, nếu thiếu hụt lớn lao động, chất lượng lao động thấp… sẽ dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và có các hệ lụy khác.
Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể. Theo đó, cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật. Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế (các công ước của ILO, các FTA thế hệ mới) mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong và ngoài nước.
Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội...
Thủ tướng cho rằng cần nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đang là ưu tiên hiện nay như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu… Đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.
Đặc biệt, triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp và các thành phố lớn, với mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đến năm 2030.
Một giải pháp căn cơ khác là đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng. Tập trung công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa theo Thủ tướng là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, sau hội nghị này, Bộ LĐ,TB-XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp nghiên cứu, tham mưu, sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo về tập trung nguồn lực phát triển thị trường lao động đúng hướng, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập.
TP HCM lao động tăng hơn 518.000 người
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho hay TP HCM là địa phương có quy mô về lực lượng lao động rất lớn với gần 5 triệu người lao động và trong 7 tháng đầu năm 2022 có những tín hiệu tích cực đó là có hơn 430.000 người lao động tăng lên so với năm 2021. Từ quý I/2022, người lao động bắt đầu quay trở lại thành phố tìm kiếm việc làm. So với quý IV/2021, số lao động tham gia hoạt động kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng hơn 518.000 người, trong đó lao động ở khu vực có quan hệ lao động tăng gần 120.000 người. Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường lao động trên địa bàn.
Bình luận (0)