Các đại biểu Quốc hội (ĐB) Mong Văn Tình (Nghệ An), Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An); Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) sáng 17-11 chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn về nhóm vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về báo chí, mạng xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
Các đại biểu cho rằng các thông tin sai sự thật, chưa chính xác tràn lan, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngàn con người; đặc biệt là các thông tin sai sự thật, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cá nhân. Với vai trò là "tư lệnh" ngành, bộ trưởng có giải pháp như thế nào để quản lý, ngặn chặn các thông tin xấu, độc?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh trong thời đại ngày nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, việc sử dụng Internet phát triển rất nhanh. Internet, mạng xã hội ra đời đã đem lại nhiều lợi ích cho con người mà không ai có thể phủ nhận. Không ai có thể đi ngược xu hướng phải tiếp cận sự phát triển của mạng xã hội và internet.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích rất lớn, các tác hại do mạng xã hội đem lại cũng không nhỏ, như các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bôi nhọ, xâm hại đời tư, khiêu dâm, kích động bao lực, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn.
Nhiều người nói rằng mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên dùng hay không? Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng cần phải coi mạng xã hội là phương tiện cho người dùng. "Nó như một con đường mà chúng ta đi trên con đường đó. Trên con đường này có rất nhiều hạng người, có người tốt, xấu, thậm chí có kẻ cướp. Cho nên đừng coi mạng xã hội là xấu, mà quan trọng là ý thức của người dùng như thế nào là vấn đề"- ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết hiện có gần 70% người dân Việt Nam dùng Internet, 53 triệu người sử dụng Facebook. Khi sử dụng facebook, hầu hết là người tốt và người ta vẫn rất "người" với nhau trên mạng xã hội. Nhưng chỉ một bộ phận nhỏ (dù kể cả là 1-2 triệu người so với 53 triệu người dùng) với năng lượng đen, năng lượng xấu đó đã làm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường mạng xã hội.
"Việc ném đá nhau, nói xấu nhau, bôi nhọ trên mạng xã hội là một thực trạng. Nếu nói tốt trên mạng thì ít người vào, ít người quan tâm. Nhưng một lời xúc phạm nhau trên mạng xã hội, hay có thể xúc phạm nhau vì bất kể lí do gì đang là vấn đề nhức nhối. Thậm chí từ năm 2014 đến nay, có 5 - 6 người tự tử vì bị bôi xấu, ném đá tập thể trên mạng xã hội"- ông Tuấn nói.
Vì vậy, Bộ TT-TT đã phối hợp với nhiều cơ quan, nhằm xử lý các sai phạm, tăng cường năng lượng tốt trên mạng xã hội, giảm các năng lượng xấu, hạn chế tối đa thông tin xấu trên mạng xã hội.
"Chúng tôi cũng đã yêu cầu các nhà mạng nước ngoài tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam. Chúng tôi đã tác động gỡ bỏ gần 5.000 clip trên mạng youtube khi những thông tin này xâm hại lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xâm hại đến quyền của cá nhân".
Bộ trưởng cho biết báo chí đang có tình trạng bị mạng xã hội dẫn dắt, nên phải làm thế nào chính báo chí là hạt nhân dẫn dắt, định hướng thông tin để đẩy lùi các thông tin tiêu cực trên mạng, không để báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội. "Ở đây tôi không dùng từ "báo chí chính thống" mà mọi người quen dùng, vì ở Việt Nam không có báo chí không chính thống"- ông Tuấn giải thích thêm.
Bình luận (0)