Chợ Hà nằm ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020 với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng, trên diện tích khoảng 10.000 m2. Chợ xây mới nhằm giải quyết tình trạng chợ cóc, chợ tạm "mọc" tràn trên đường, tại các ngã ba, ngã tư… gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông.
Quy mô của chợ Hà khoảng 1.000 chỗ ngồi, có các ki-ốt, khu bán hàng, khu nhà ăn, để xe… được đầu tư rất quy củ. Ghi nhận tại đây vào một buổi sáng cho thấy hàng quán ở chợ chủ yếu là quần áo, một số ít hàng thực phẩm. Nhiều chủ hàng thẫn thờ ngồi chờ khách, có chỗ tụ tập tán gẫu vì chẳng có ai vào hỏi mua hàng.
Nhiều hộ kinh doanh trong chợ Hà cho biết khi chợ mới đi vào hoạt động, đa số tiểu thương, người dân đều vào chợ họp, nhưng dần dần tiểu thương bỏ hết ra ngoài họp chợ khiến các ki-ốt cứ thưa vắng dần, đến nay chỉ còn khoảng 20 gian hàng còn bán trong chợ.
"Tiểu thương bỏ chợ là do chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt dẹp chợ cóc, chợ tạm, yêu cầu người dân vào trong chợ họp. Nếu tình trạng này còn kéo dài, chúng tôi chắc cũng phải đóng quầy mất thôi"- một tiểu thương cho hay.
Khác với cảnh đìu hiu của chợ Hà, tại các ngã ba, ngã tư, đặc biệt là tại thôn: Đông Tây Hải, Trung Hải, Đại Long, Quang Trung của xã Hoằng Thanh, cảnh buôn bán diễn ra tấp nập, nhiều nơi dân tràn cả xuống lòng đường để buôn bán dẫn tới cảnh tắc đường, cản trở giao thông.
"Không chỉ gây cảnh tắc đường, việc bày bán thịt cá, hải sản… tràn lan còn gây ô nhiễm môi trường khi nước thải của hải sản đổ ra đường, rác xả khắp nơi. Chúng tôi đã có ý kiến nhiều lần tới địa phương mà không tiến triển gì"- một người dân thôn Trung Hải bức xúc.
Ông Lê Hữu Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh, thừa nhận việc chợ Hà vắng người họp là đúng thực tế, trong khi địa phương nhiều lần ra quân xử lý, chấn chỉnh, dẹp bỏ các điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn xã, nhưng chỉ được một thời gian "đâu lại vào đó".
Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh cũng nêu lý do không xử lý dứt điểm được thực trạng dân bán hàng ngoài đường là do lực lượng mỏng, không đủ người ra quân xử lý, trong khi việc buôn bán ngoài đường tiện cho công nhân đi làm về.
"Địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án ra quân xử lý, đặc biệt là các tháng cao điểm, cho lắp camera giám sát để xử lý hay phương án cấm cán bộ, đảng viên, giáo viên, nếu mua hàng mà bị phát hiện thì bị xử lý. Hiện xã đã thành lập 7 tổ xử lý ở các thôn, sau khi ra quân sẽ giao cho các tổ giám sát để xử lý, lần này xã sẽ quyết tâm xử lý dứt điểm"- ông Tư cho hay.
Bà Thiều Thị Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty TNHH Thương mại Chợ Hà (chủ đầu tư), cho biết khi chợ đi vào hoạt động có rất đông tiểu thương họp chợ, thế nhưng được một thời gian thì họ kéo nhau ra các ngã ba, ngã tư bán vì vừa không mất phí lại tiện người mua.
"Công ty đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND xã Hoằng Thanh giải quyết nhưng không triệt để, dẹp ngày trước thì hôm sau dân lại tiếp tục tràn ra đường bán"- bà Ánh cho hay.
Liên quan tới việc này, ngày 7-11, Sở Công Thương Thanh Hóa đã có văn bản gửi UBND huyện Hoằng Hóa đề nghị huyện chỉ đạo phòng, ban, địa phương và đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và không để tái diễn trên địa bàn xã Hoằng Thanh.
Bình luận (0)