Thời gian qua, chương trình "Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương" do LĐLĐ tỉnh Quảng Bình phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai đã che chở bao số phận trẻ mồ côi, trẻ em nghèo thiếu may mắn. Chương trình là cầu nối yêu thương, giúp các em thực hiện ước mơ trên con đường học tập.
Giúp đỡ trẻ yếu thế
Từ nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ xuống cấp của em Trần Ngọc Trúc (SN 2009) ở thôn Thanh Sơn, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch đã thiếu vắng hơi ấm của người cha. Cuộc sống của gia đình Trúc rơi vào cảnh chật vật, ly tán khi em chỉ mới 5 tuổi.
Năm 2013, cha của Trúc không may bị tai nạn và mất, mọi thứ trong gia đình em trở nên đảo lộn. Thiếu vắng trụ cột, hoàn cảnh gia đình vốn đã khó lại càng thêm khó - khi người mẹ không có việc làm chỉ loanh quanh với 3 sào ruộng, còn phải gồng gánh nuôi Trúc và người chị bị tàn tật nằm một chỗ. Để có tiền lo cho con, mẹ của Trúc phải đi làm thuê - khi thì rửa chén bát, khi thì đi bưng bê dọn dẹp.
Tuy gia cảnh khó khăn nhưng Trúc rất chăm chỉ học hành, được thầy cô và bạn bè yêu mến; nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Cảm thông với hoàn cảnh của gia đình Trúc, Công đoàn ngành giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đã quyết định nhận đỡ đầu, hỗ trợ kinh phí cho em trong khoảng thời gian 5 năm với tổng số tiền 30 triệu đồng (tương đương 500.000 đồng/tháng), bắt đầu từ tháng 5-2022. "Con rất vui khi được tổ chức Công đoàn chia sẻ, hỗ trợ trong lúc khó khăn. Con sẽ dùng số tiền này vào việc học hành" - Trúc tâm sự.
Căn nhà 2 gian chật hẹp ở cuối thôn Đông Thành, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn là nơi tá túc của hai bà cháu Nguyễn Hoàng Thùy Trâm (12 tuổi). Mẹ Trâm mất vì căn bệnh ung thư não, cha bỏ đi khi em vừa chào đời và chưa lần nào quay lại tìm gặp em. Bà ngoại dù tuổi cao, sức yếu nhưng hằng ngày vẫn phải chạy đôn chạy đáo hái rau quanh vườn mang ra chợ bán kiếm tiền với hy vọng Trâm không bị đứt học giữa chừng.
Đồng cảm với những khó khăn của hai bà cháu, Hội LHPN thị xã Ba Đồn đã nhận đỡ đầu cho Trâm với số tiền 30 triệu đồng trong thời gian 5 năm. "Nhận tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, bà cháu tôi rất vui, đến bây giờ vẫn nghĩ đó là một giấc mơ. Tôi sẽ sử dụng số tiền này để mua sách vở, đồ dùng và các khoản chi phí học tập cho cháu" - bà Hoàng Thị Tuyết, bà ngoại của Trâm, tâm sự.
Lan tỏa giá trị nhân văn
Bà Đinh Thị Ngọc Lê, Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa, cho biết trên địa bàn huyện hiện có 320 trường hợp trẻ mồ côi. Trong đó có 130 trẻ thuộc diện hộ nghèo, hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 7 trường hợp mồ côi cả cha lẫn mẹ… đang cần sự giúp sức của cộng đồng, nhà hảo tâm để có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Sau khi rà soát, Hội LHPN huyện Minh Hóa đã kết nối các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đứng ra nhận đỡ đầu trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn; giúp các em có cơ hội được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình và xã hội, tiếp tục thực hiện ước mơ trên con đường học tập, rèn luyện.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hội LHPN huyện Minh Hóa đã kết nối, nhận đỡ đầu 80 trẻ mồ côi trên địa bàn, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng. Thời gian hỗ trợ 1 - 5 năm hoặc đến khi các em đủ 18 tuổi. Mức hỗ trợ từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/em/tháng. Ngoài ra, trong thời gian hỗ trợ, tùy theo điều kiện, các "Mẹ đỡ đầu" còn hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, sách vở, đồ dùng học tập, quần áo...
Ngoài ra, theo ông Võ Văn Tiến, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình, thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và Hội LHPN tỉnh, chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi được triển khai từ tháng 4-2022, nhận đỡ đầu 20 trường hợp trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang tạo sức lan tỏa rất tốt.
Trong đó, Cơ quan LĐLĐ tỉnh Quảng Bình nhận đỡ đầu 3 trường hợp; LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố mỗi đơn vị nhận đỡ đầu 1 trường hợp; các Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức, Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh mỗi đơn vị nhận đỡ đầu 1 trường hợp; khối Công đoàn cơ sở trực thuộc nhận đỡ đầu 2 trường hợp.
"Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi đã lan tỏa rộng khắp trong các cấp Công đoàn trực thuộc. Đến nay, số trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng đã tăng lên 58 trường hợp, với tổng số tiền hỗ trợ gần 1,6 tỉ đồng" - ông Tiến phấn khởi nói.
Không "đánh trống bỏ dùi"
Để việc hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu được thực hiện kịp thời, hiệu quả và đúng với ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình, LĐLĐ tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các cấp Công đoàn căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để tổ chức gặp gỡ, kết nối giữa "Mẹ đỡ đầu" với các cháu và gia đình. Bên cạnh đó, cần giữ mối liên hệ với hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố - nơi có những cháu do đơn vị trực tiếp làm "Mẹ đỡ đầu" - để thường xuyên quan tâm, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống; động viên, giúp đỡ các cháu trong học tập.
Bình luận (0)