Đến với cố đô Huế, người ta thường hay nghĩ ngay đến việc tham quan Kinh thành hay các lăng tẩm, chùa chiền nổi tiếng. Nhưng ngoài những nơi ấy, phía xa ngoài bờ biển cũng là nơi rất đáng để đi. Ngoài phía biển ấy, là hệ thống đầm phá đặc biệt của đất cố đô, với phá Tam Giang (nơi hợp nhau của 3 con sông: sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu); đầm Thanh Lam - Hà Trung – Thủy Tú; đầm Sam, đầm Cầu Hai… kéo dài thành một dải mấy chục cây số từ cửa sông Ô Lâu, Quảng Điền ở phía Bắc, qua huyện Phú Vang sang huyện Phú Lộc ở phía Nam.
Hệ thống đầm – phá này thông ra biển qua 2 cửa: Thuận An và Tư Hiền, bị ngăn cách với biển bằng một doi đất dài và hẹp song song bờ biển kéo dài mấy chục cây số.
Từ nội thành Huế chạy ra Thuận An theo quốc lộ 49, dừng chân trên cầu Thuận An nhìn sang phía tay trái là cây cầu Thuận An cũ và mênh mông phá Tam Giang
Bên phải cầu Thuận An là vùng đầm Thanh Lam, với những vuông nuôi trồng thủy sản ven bờ và những chòi canh lô nhô…
Những chiếc vó lớn giữa đầm…
...và những con thuyền nhỏ nằm yên nơi bến cạn
Qua cầu Thuận An là tới thị trấn Thuận An, rẽ phải theo Quốc lộ 49B chạy dọc doi đất nhỏ hẹp nằm giữa một bên là biển và một bên là hệ thống đầm Thanh Lam – Hà Trung – Thủy Tú. Trên đường từ Thuận An đi Tư Hiền, bên trái là biển xanh ngắt với những bãi tắm nhỏ rải rác dọc đường, và trên những cồn cát trắng có nhiều những nghĩa trang nhỏ được xây cất, trang trí khá cầu kỳ.
Khu nghĩa trang An Bằng, được gọi vui là "thành phố ma" với những ngôi mộ được xây cất như những biệt thự bạc tỉ, cũng nằm trên doi đất dài và hẹp này, nhưng xa nữa về phía Tư Hiền.
Một nghĩa trang dòng họ tại làng Cự Lại, xã Phú Hải, tuy mức độ còn thua xa "thành phố ma" An Bằng, nhưng cũng được xây cất, trang trí khá công phu
Qua khỏi xã Phú Hải đến xã Phú Diên, cách Thuận An 11km có một di tích ngôi tháp Chăm cổ có niên đại từ rất sớm (khoảng thế kỷ VIII) – tháp Mỹ Khánh.
Ngày 18-4-2001, những người khai thác quặng titan trên bãi biển thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế đã phát hiện thấy vết tích một ngôi tháp Chăm cổ bị vùi sâu dưới cát, chỉ cách mép nước biển chừng 120m. Sau đó, người ta đã tiến hành đào cát và xây tường bao kè xung quanh.
Hơn ngàn năm tồn tại, hàng trăm năm bị vùi trong cát, ngôi tháp vẫn khá nguyên vẹn, nhưng chỉ sau gần 3 năm được phát lộ, nó đã xuống cấp trầm trọng, nên năm 2007, người ta đã tiến hành làm nhà kính bao che toàn bộ ngôi tháp để bảo vệ. Tháp Mỹ Khánh nằm sâu gần 5 mét dưới cát.
Tháp Mỹ Khánh ở Phú Diên, Phú Vang có niên đại từ thế kỷ VIII, nằm ngay sát mép biển và bị cát vùi lấp mấy trăm năm, mới được tình cờ phát hiện năm 2001
Ngay cạnh tháp có một bãi tắm nhỏ và khu hàng quán hải sản
Tiếp tục chạy theo quốc lộ 49B về Tư Hiền, sang đất huyện Phú Lộc là sắp đến cửa Tư Hiền. Gần tới cầu Tư Hiền, cách khoảng 2km, trên đất xã Vinh Hiền có núi Túy Vân nằm ngay sát mép nước đầm Cầu Hai, trên núi có chùa cổ Thánh Duyên nổi tiếng, một trong số 20 thắng cảnh nổi tiếng đất Kinh kỳ do vua Thiệu Trị xếp hạng (Vân Sơn thắng tích – xếp thứ 9 trong Thần kinh nhị thập cảnh).
Chùa cổ Thánh Duyên ở lưng chùng núi Túy Vân, giữa rừng cây xanh ngắt. Chiều buông xuống, từ trên núi nhìn xuống đầm Cầu Hai mênh mông sóng nước thật yên bình và đẹp tuyệt vời.
Ráng chiều trên đầm Cầu Hai, một "cầu cảng" nhỏ dưới chân núi Túy Vân
Thuyền bè đã về bến đậu…
Bóng núi đã mờ mịt trong chiều
…và mặt trời dần khuất
Cầu Tư Hiền đã lên đèn. Cây cầu bắt qua cửa biển Tư Hiền, khánh thành ngày 24-12-2007, tạo điều kiện giao thương và phát triển kinh tế cả vùng ven biển này.
Cửa Tư Hiền, tên xưa là cửa Tư Dung, tương truyền là nơi công chúa Huyền Trân xuống thuyền rời Đại Việt sang Chiêm Thành làm vợ vua Chế Mân.
Những vầng sáng cuối ngày nháng lên ở phía Tây, rồi đầm Cầu Hai bắt đầu chìm dần vào bóng tối.
Nắng tắt, đứng trên cầu Tư Hiền lồng lộng gió, nhìn về đầm Cầu Hai đang chìm dần vào màn sương, thấy thật yên bình, thanh thản.
Nếu đến Huế và có chút thời gian, hãy lên xe và đến Tư Hiền ngắm hoàng hôn trên đầm Cầu Hai bạn nhé.
Bình luận (0)