Khi xã hội phát triển, con người có khả năng tạo ra của cải, vật chất ngày càng nhiều so với trước đây và đã nảy sinh tư tưởng, thái độ, hành vi tiêu dùng lãng phí. Sự lãng phí này diễn ra ở mọi lĩnh vực như: thời gian, tiền bạc, sức lực, của cải, năng lượng, đồ ăn, thức uống…
Lãng phí tràn lan
Về thời gian, nhiều khi con người không quản lý tốt về thời gian, gây ra lãng phí rất lớn. Mỗi ngày chỉ có 24 giờ, nếu không kiểm soát tốt thì thời gian trôi qua rất nhanh. Hiện có nhiều người dành nhiều thời gian cho việc ăn nhậu, lướt Facebook, Zalo, uống cà phê... Trong khi đó lại không sử dụng thời gian rảnh rỗi cho việc đọc một cuốn sách về chuyên môn mà mình đang thực hiện, hay cuốn sách về đối nhân xử thế…
Về tiền bạc, của cải, nhiều khi do thói quen, con người tiêu dùng không có kế hoạch. Việc tiêu dùng không kiểm soát, dẫn đến lãng phí, thiếu tính hiệu quả. Nếu không kiểm soát, con người dễ phát sinh nhu cầu, trong khi nếu không bị kích cầu con người cũng có cuộc sống an vui.
Khi kinh tế hàng hóa xuất hiện, để tạo nhu cầu tiêu dùng, các nhà sản xuất đã tìm cách quảng cáo, tạo ra nhu cầu để khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nhu cầu tiêu dùng của cá nhân ngày càng có xu hướng gia tăng nhanh hơn.
Hiện nay, nhiều người luôn có thói quen săn hàng giảm giá, coi đó là nhu cầu thiết thân. Trong khi đó nếu hàng giá cao, họ có thể không mua, nghĩa là nếu không mua hàng giá rẻ thì cũng chẳng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Chưa kể là việc sử dụng những dịch vụ internet, dịch vụ shipper… trong khi mình có thể làm được, chỉ cần sắp xếp kế hoạch hợp lý, biết tối ưu hóa hoạt động.
Bài viết tham gia diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Về sức lực, con người còn lãng phí rất lớn vào các cuộc ăn nhậu, hát hò giải trí lắm lúc không cần thiết. Con người còn mất sức rất nhiều vào những câu chuyện nhảm nhí, nói xấu nhau, những câu chuyện thêu dệt, những câu chuyện mà có cũng được, không có cũng chẳng sao… Nhiều hoạt động của con người không đem lại hiệu quả cho cuộc sống, cũng dẫn đến lãng phí sức khỏe. Từ đó, nhiều người tiêu hao sức lực vô ích mà không ý thức được.
Về năng lượng, con người sử dụng năng lượng quá hao phí, chẳng hạn khi làm việc trong phòng chỉ cần có đèn để bàn, có đủ ánh sáng là được nhưng chúng ta lại bật hết đèn. Chưa kể sử dụng các thiết bị điện chưa hợp lý.
Mỗi thiết bị chỉ lãng phí một ít, tích lũy lại cả tháng, cả năm sẽ là một con số hao phí vô ích rất lớn. Hiện nay, tình trạng công sở có một vài người làm việc trong một phòng nhưng bật máy điều hòa cả ngày. Nếu mở cửa thông thoáng, sử dụng quạt, điều hòa hợp lý theo từng khung giờ, theo sự thay đổi nhiệt độ thì chắc chắn hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ cao.
Về đồ ăn, thức uống, năng lượng cho cơ thể cần số lượng vừa đủ. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng sung túc hơn, nhiều người sử dụng các loại đồ ăn, thức uống quá nhiều, quá mức cần thiết. Nhiều người ăn nhậu trong thời gian quá dài cho một bữa, với lượng thức ăn đồ uống khá nhiều. Theo một nghiên cứu khoa học, cơ thể con người hấp thu năng lượng khoảng 70% nhu cầu là tốt nhất, nghĩa là không nên ăn uống quá no…
Nhận thức rõ về hậu quả của lãng phí
Thực trạng lãng phí như trên là khá phổ biến. Để tránh lãng phí trong xã hội nói chung, trong mỗi gia đình, cá nhân nói riêng, cần có những biện pháp khắc phục hợp lý. Trước hết, về nhận thức mỗi người phải hiểu được lãng phí là gì, hậu quả của lãng phí ra sao. Hiểu được giá trị của tiết kiệm, tự mình xây dựng kỹ năng về quản lý thời gian, của cải, tiền bạc, sức lực…
Mỗi người nhận thức tốt về hậu quả của lãng phí, vai trò tích cực của tiết kiệm thì xã hội mới có nhận thức đồng bộ. Mỗi người cần thấm nhuần tư tưởng "thiểu dục tri túc" - xây dựng lối sống ít ham muốn, biết đủ, biết dừng để cuộc sống đỡ vất vả, đua chen. Từ đó mới có hành động đúng đắn và hiệu quả trong việc tiêu dùng. Nếu con người không bắt đầu từ nhận thức thì sẽ rất khó thực hiện chống lãng phí trong hành động.
Chống lãng phí cần lấy bài học nêu gương từ trong cuộc sống. Những mẫu chuyện về Bác Hồ, từ mẫu giấy, cây bút Người đều tận dụng tối ưu, đồ dùng sinh hoạt Người cũng sử dụng ở mức độ tối thiểu, sao cho bớt tốn kém của nhân dân.
Ngày nay cũng vậy, cần nêu gương tốt trong cán bộ lãnh đạo, trong xã hội để mọi người noi theo. Trong đời sống xã hội, cần tuyên truyền tốt các kỹ năng quản lý thời gian, quản lý tiền bạc… Xây dựng kế hoạch tiêu dùng cho cá nhân phù hợp với từng lĩnh vực.
Luôn luôn xây dựng thái độ tiết kiệm, sử dụng hiệu quả của cải vật chất để làm giàu cho bản thân, cho xã hội. Một xã hội biết tiết kiệm, không lãng phí là xã hội văn minh, tiến bộ.
Hành động vì một tương lai bền vững
Trong thời đại hiện nay, khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và biến đổi khí hậu trở thành mối lo ngại toàn cầu, vấn đề chống lãng phí càng trở nên cấp thiết.
Lãng phí không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta.
Để chống lại tình trạng lãng phí, mỗi cá nhân cần có ý thức tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên. Chúng ta có thể bắt đầu bằng những hành động nhỏ như: Tiết kiệm thực phẩm, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước...
Chống lãng phí không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân mà còn của cả cộng đồng. Mỗi hành động nhỏ của chúng ta đều góp phần tạo nên một sự thay đổi lớn. Hãy chung tay xây dựng một xã hội tiết kiệm, bền vững và phát triển.
Văn Tuấn
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-10
Bình luận (0)