Nhiều dịch vụ công được thực hiện trực tuyến với nhiều cấp độ nhưng còn không ít người dân vẫn giữ thói quen trực tiếp đến các đơn vị hành chính,gây nên tình trạng quá tải, chờ đợi lâu.
9 giờ ngày 17-10, chúng tôi đến điểm cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) tại số 8 Nguyễn Ảnh Thủ, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP HCM. Đây là 1 trong 3 điểm cấp đổi GPLX thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM.
Có trực tuyến nhưng vẫn muốn trực tiếp
Tại điểm tiếp nhận có gần 30 người chờ đến lượt, cán bộ tiếp nhận hồ sơ liên tục hướng dẫn điền thông tin, một số bảo vệ được tăng cường vào bên trong để hỗ trợ. Ngoài khu vực này, bên trong phòng khám sức khỏe, hơn 20 người đứng, ngồi chờ tới lượt.
Ghi nhận cho thấy trường hợp đổi GPLX ô tô hết hạn phải khám sức khỏe, người dân mất thời gian có khi đến 3 giờ để cầm được giấy hẹn.
Đến đây từ 8 giờ, anh Trần Văn Trung (huyện Hóc Môn) nói biết chắc sẽ chờ đợi lâu nên xin nghỉ làm 1 buổi để đổi GPLX hạng B2 sắp hết hạn. Anh Trung thừa nhận bản thân không rành thao tác cấp đổi GPLX trên mạng nên đến trực tiếp để được hướng dẫn. Không chỉ anh Trung, nhiều người dân khi được hỏi đều cho biết đến trực tiếp cho "chắc ăn" và chấp nhận chờ đợi.
Theo tìm hiểu, hàng loạt dịch vụ hiện nay đã có thể thao tác trực tuyến nhưng người dân vẫn thực hiện như cách thức trước đây. Như đợt mua vé tàu Tết Ất Tỵ vừa rồi, ngay sáng sớm 6-10, trước thời điểm Ga Sài Gòn mở bán vé tàu Tết, hàng trăm hành khách đã đến chờ lấy số thứ tự và mua vé.
Anh Nguyễn Tấn Tuyến (quận Tân Bình) đến ga từ 3 giờ 30 phút, 8 giờ 30 phút thì mua được 4 vé tàu về Ninh Bình. Lý giải việc trực tiếp đến ga thay vì mua vé online, anh Tuyến thừa nhận không quen thao tác online và đến trực tiếp cho an tâm.
Trong khi đó, anh Tân (quận Bình Tân) ngồi tại cơ quan và mất khoảng 5 phút thao tác, lựa chọn chỗ trống và thanh toán online cho tàu từ TP HCM đi Hà Nội ngày 28 Tết. Với anh Tân, một ngày nghỉ bị trừ lương mất 500.000 đồng, do đó khi đến chỗ làm anh lên website của ngành đường sắt và đặt mua, vừa nhanh vừa tiện lợi.
Tính toán chưa kỹ
Nếu thay vì ứng dụng công nghệ, người dân tính toán theo thói quen gây tốn thời gian và công sức thì những tính toán thiếu kỹ lưỡng của ngành chức năng để lại hệ quả khó đong đếm.
Cách đây hơn 10 năm, chợ An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau được đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán và trao đổi hàng hóa. Ông Q.H.O. (ngụ xã Khánh An) cho biết chợ An Phú thời điểm mới đưa vào sử dụng được kỳ vọng rất nhiều. Tuy nhiên, khu vực này dân cư thưa thớt dẫn đến vắng khách, từ đó tiểu thương không đồng ý vào đây buôn bán rồi bỏ hoang.
Theo ghi nhận của phóng viên, bên trong khu vực chợ An Phú nhiều thanh thép, tấm lợp đã rỉ sét theo thời gian. Phần nền bê-tông phía trước đầy rong rêu và nhiều loại cỏ dại. Sự xuống cấp của công trình được đầu tư khang trang một thời đã khiến không ít người tiếc nuối.
Để khắc phục phần nào, thời gian gần đây, ấp An Phú tận dụng một phần khuôn viên bên trong chợ làm nhà văn hóa, nhờ đó cũng bớt đi phần nào sự lãng phí.
Tại tỉnh Quảng Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này từng tiến hành giám sát một số cơ sở làm việc của cơ quan thuế, BHXH tỉnh tại TP Tam Kỳ, huyện Hiệp Đức, huyện Quế Sơn… và chỉ ra nhiều bất cập, lãng phí trong quá trình đầu tư, sử dụng.
Chẳng hạn, Chi cục Thuế khu vực Tam Kỳ - Phú Ninh có tổng số công chức, người lao động thời điểm năm 2022 là 89 người nhưng có trụ sở làm việc ở 2 cơ sở, tổng diện tích sử dụng lên đến hơn 6.000 m2. Qua rà soát theo tiêu chuẩn định mức con người thì Chi cục Thuế khu vực Tam Kỳ - Phú Ninh dư 1.110 m2.
Tương tự, trụ sở Chi cục Thuế tại huyện Hiệp Đức được xây dựng với quy mô 3 tầng nhưng chỉ có 7 biên chế. Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ một vài phòng làm việc được sử dụng, còn lại bỏ trống, riêng khu vực tầng 3 mạng nhện bám đầy lối đi của cầu thang.
Hay dự án Hạ tầng Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình được đầu tư hơn 33 tỉ đồng nhưng chỉ phục vụ cho 2 doanh nghiệp tôm giống…
Bất cập cứ tái diễn
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thêm việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo ra tác động lan tỏa cho phát triển bền vững. Tuy thế, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công diễn ra nhiều năm nay gây lãng phí nguồn lực.
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9 cả nước mới giải ngân được 320.566,5 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 42,9% kế hoạch và đạt 47,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khi cùng kỳ năm 2023 đạt 47,75% kế hoạch và đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng vẫn đến từ các bất cập về thể chế, đất đai, vật liệu xây dựng cũng như công tác chỉ đạo, điều hành.
"Nhiều dự án giao thông bị thiếu cát, đất đắp nền. Mặc dù Bộ GTVT đã cho phép thử nghiệm sử dụng cát biển thay thế, nỗ lực tìm thêm mỏ đất đắp nhưng các giải pháp này vẫn chưa thể đáp ứng được tiến độ xây dựng của các công trình" - ông Trần Quốc Phương nêu rõ.
Ông Phương thông tin thêm ảnh hưởng của bão lũ thời gian qua cũng có tác động nhất định đến công tác triển khai dự án, giải ngân vốn đầu tư công.
Những tốn kém âm thầm
Trong cuộc sống vẫn rất nhiều biểu hiện của lãng phí mà không phải ai cũng nhận ra. Anh Nguyễn Văn Năm (28 tuổi; ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho hay trước đây anh thường xuyên quên tắt bóng đèn, quạt gió khi rời khỏi nhà. Đặc biệt, anh còn có thói quen mua thật nhiều vàng mã để đốt vào các dịp lễ, Tết, cúng...
"Lúc đầu, tôi thấy những việc làm trên rất nhỏ nên không để ý tới bởi cảm thấy chúng không tác động gì lớn đến cuộc sống của gia đình. Tuy nhiên, khi đọc những kiến thức, khuyến cáo trên phương tiện truyền thông, tôi thấy nếu những vấn đề ấy diễn ra trong thời gian dài sẽ tạo nên sự lãng phí rất lớn nên tự mình thay đổi" - anh Năm nói.
Thay đổi nhận thức
Tìm hiểu quy trình cấp, đổi GPLX online, phóng viên nhận thấy việc đổi GPLX hạng ô tô buộc người dân phải khám sức khỏe tại những cơ sở y tế được quy định trên hệ thống. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người đến cơ sở cấp đổi GPLX để "một công đôi việc".
Chia sẻ về thủ tục cấp đổi GPLX online, ông Ngô Đình Quang, Trưởng Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX - Sở GTVT TP HCM, cho biết trên địa bàn TP HCM, Sở GTVT tổ chức 3 điểm cấp, đổi GPLX cho người dân (số 8 Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12; số 111 Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú và 252 Lý Chính Thắng, quận 3). Thời gian qua có một số thời điểm người dân cấp đổi GPLX rất đông khiến thời gian chờ đợi lâu.
Theo ông Quang, TP HCM đã triển khai dịch vụ công cấp độ 4, vừa rồi Sở GTVT TP HCM có văn bản gửi đến các sở, ban ngành, cơ quan nhà nước đề nghị các đơn vị khuyến khích, hướng dẫn người dân đổi GPLX trực tuyến. Khi thực hiện thủ tục trực tuyến, người dân tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-10
Bình luận (0)