Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế thành phố là 597 ca, trong đó 346 ca dương tính với sởi (gồm 153 trẻ cư ngụ tại TP HCM và 193 trẻ từ các tỉnh, thành khác chuyển đến). Bệnh sởi cũng được phát hiện tại nhiều tỉnh như Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh...
Các ca mắc chưa tiêm vắc-xin
Tại TP HCM, từ ngày 23-5 đến 18-8, toàn thành phố phát hiện 170 trường hợp mắc bệnh sởi tại 15 quận, huyện, TP Thủ Đức. Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố đang điều trị 27 ca sởi, trong đó 16 ca ở tỉnh, 11 ca tại thành phố; 5 trẻ tiêm đủ vắc-xin, 22 trẻ chỉ tiêm 1 mũi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ ngày 16 đến hết ngày 22-8, toàn tỉnh ghi nhận thêm 3 ca mắc mới bệnh sởi, nâng tổng số ca mắc bệnh sởi từ đầu năm đến nay là 50 ca, tăng 49 ca so với cùng kỳ. Các ca bệnh tập trung chủ yếu ở các huyện và thành phố như: Nhơn Trạch, Tân Phú, Long Thành, Biên Hòa.
Từ đầu tháng 8 đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị trên 10 ca đều có triệu chứng sốt phát ban, nhiều trẻ có viêm phổi kèm theo. Trong số đó có 5 ca bệnh nặng phải thở ôxy qua mặt nạ, 1 ca có bệnh nền gây biến chứng suy hô hấp được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Quyền - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai - nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến số trẻ mắc bệnh sởi gia tăng là do nhiều trẻ chưa tiêm vắc-xin ngừa bệnh sởi.
Chiều 28-8, bác sĩ Huỳnh Minh Phúc - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An - cho biết theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 18-8, toàn tỉnh đã ghi nhận 79 mắc bệnh sởi. Trong đó, 62 ca kết có quả xét nghiệm dương tính; 17 ca nghi ngờ sởi và ghi nhận một ổ dịch sởi (3 ca) tại huyện Bến Lức. Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết đến ngày 27-8, toàn tỉnh ghi nhận 21 ca mắc bệnh sởi.
Theo Viện Pasteur TP HCM, tính đến giữa tháng 8, khu vực phía Nam ghi nhận gần 1.500 trường hợp phát ban nghi sởi. Theo các bác sĩ, một số trẻ sinh ra vào đợt dịch COVID-19 không tiêm ngừa sởi, những trẻ có bệnh nền nên phụ huynh không đưa con đi tiêm... Từ đó, dẫn đến tỉ lệ bao phủ vắc-xin trong cộng đồng thấp.
Không hoang mang, lo lắng
Trước tình hình số ca bệnh sởi tăng nhanh, trong đó có 3 trẻ đã tử vong, UBND TP HCM đã công bố dịch sởi với quy mô toàn thành phố. Đồng thời, triển khai kế hoạch phòng chống dịch sởi.
Sở Y tế TP HCM cho biết hiện tại thành phố đang đối mặt với khó khăn người dân nhập cư từ các tỉnh khác đến làm việc; vì vậy, có 40% trẻ không nằm trong danh sách quản lý. Do đó, các cơ sở khám chữa bệnh chủ động phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi; tổ chức phân luồng và có khu khám để sàng lọc bệnh sởi với bệnh khác; người bệnh sởi phải đeo khẩu trang khi đi khám bệnh. Đặc biệt, bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cần thiết, đáp ứng cho điều trị phòng ngừa.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho hay dù công bố dịch nhưng người du lịch hay đến công tác tại thành phố không nên quá hoang mang, lo lắng nếu đã tiêm ngừa đủ phác đồ sởi trước đó. "Đây là là bệnh rất cũ nên không thể lây tràn lan như bệnh mới. Vì bệnh cũ nên bệnh chỉ tấn công người chưa có miễn dịch. Nếu đã tiêm ngừa đúng và đủ thì không sợ gì bệnh sởi, có bệnh xung quanh hay có công bố dịch sởi cũng không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày" - bác sĩ Khanh nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nhiều người chủ quan xem sởi là bệnh nhẹ, có thể tự khỏi nhưng thực tế, khi mắc sởi có thể dẫn đến các biến chứng nặng, thậm chí tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Biến chứng thường gặp của sởi là viêm phổi cấp tính, dẫn đến suy hô hấp tiến triển.
Chuẩn bị tốt các kịch bản
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết về tiêu chí chuyên môn, TP HCM đủ điều kiện để công bố dịch sởi theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Việc công bố dịch là do địa phương tự quyết định và còn căn cứ vào khả năng đáp ứng của thành phố. Ngay từ đầu, TP HCM đã chuẩn bị tốt các kịch bản có thể xảy ra, tuy nhiên thành phố cần tiếp tục huy động thêm nguồn lực và cần triển khai các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt. Theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, TP HCM sẽ cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sau khi công bố dịch như thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; thực hiện việc khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cách ly y tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân.
Bình luận (0)