Ngày 10-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Phong (Phong Bụi - chủ kênh Youtube Phong Bụi và Fanpage Phong Bụi, Phong Bụi TV) cho biết vừa nhận được thông tin Công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm giữ kẻ mạo danh Phong Bụi để lừa đảo.
"Công an nhiều địa phương cũng đã đề nghị tôi phối hợp điều tra để tìm kẻ lừa đảo nhưng chưa có kết quả. Tôi khá bất ngờ khi chỉ trong thời gian ngắn, Công an huyện Châu Đức đã sớm tìm được đối tượng mạo danh. Tôi hy vọng, nhiều nạn nhân của kẻ lừa đảo, sớm trình báo cơ quan Công an huyện Châu Đức hoặc công an địa phương để cung cấp thông tin" – ông Phong cho hay.
Phong Bụi là Youtuber nổi tiếng được nhiều người theo dõi nhờ thường xuyên giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt có nhiều cuộc giải cứu lao động bị lừa đảo xin việc làm.
Theo Phong Bụi, thời gian qua rất nhiều nạn nhân đã liên lạc nói về việc bị kẻ xấu lừa tiền với chiêu thức mạo danh Facebook, Tiktok của Phong Bụi. Số tiền bị lừa có thể vài trăm ngàn đồng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Các đối tượng tạo các tài khoản mạo danh với hình ảnh và nội dung được sao chép lại trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok của Phong Bụi. Khi thấy người nhà nạn nhân bình luận trên các hội, nhóm mạng xã hội về việc có người thân bị giam giữ tại nước ngoài, các đối tượng lập tức nhắn tin và sử dụng công nghệ giả mạo hình ảnh, giọng nói của Phong Bụi. Từ đó tạo sự tin tưởng cho người nhà nạn nhân rồi yêu cầu chuyển khoản vào số tài khoản trùng với họ và tên của Phong với lời hứa sẽ ngay lập tức giải cứu người thân.
Nhiều người bị sập bẫy và nghĩ rằng Phong Bụi là người trực tiếp nhắn tin lừa đảo nên đã chửi mắng, thậm chí có ý định tấn công khi mất kiểm soát. Tuy nhiên, Phong đã hướng dẫn các nạn nhân trình báo vụ việc với công an để điều tra, đồng thời Phong cũng phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc. "Một số người trước đó cho rằng tôi lừa tiền họ nên có những lời nói không hay đã nhắn tin xin lỗi tôi sau khi công an tìm ra được kẻ lừa đảo" - Phong Bụi nói.
Theo Phong Bụi, hiện tại bản thân sở hữu các tài khoản Facebook, Youtube và Tiktok có tên Phong Bụi và được dấu tick xanh xác nhận chính chủ. Các tài khoản chính danh sẽ được các nền tảng cung cấp dấu xác nhận. Việc phân biệt kênh thật, kênh giả, người xem cần xem xét một phần về quá trình hoạt động, thời gian hoạt động và dấu xác nhận.
Như báo Người Lao Động đưa tin, công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạm giữ hình sự Nguyễn Quốc Cương về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Qua điều tra, Cương đã giả mạo là Youtuber Phong Bụi nhắn tin lừa đảo một phụ nữ ở Châu Đức với số tiền 160 triệu đồng khi người này đề nghị giải cứu con trai bị lừa đảo xin việc làm tại Myanmar.
Bình luận (0)