Sáng 3-12, Chủ tịch nước Lương Cường, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, và đoàn công tác Trung ương đã có cuộc làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao tại Hà Nội.
Theo báo cáo của VKSND tối cao, những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, ngành KSND đã quán triệt, triển khai nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật; tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Trong hoạt động, vai trò công tố của ngành được đề cao, trách nhiệm công tố được tăng cường, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp được tiến hành chủ động, thường xuyên và ngày càng hiệu quả hơn, đã ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị có chất lượng, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất.
Ngành đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã chủ động phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng cơ quan tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh, liêm chính.
Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với cải cách tư pháp có nhiều đổi mới, ngành Kiểm sát đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các đề án, nghị quyết được Bộ Chính trị giao; công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo quản lý có nhiều đổi mới. VKSND tối cao đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước trong công tác tư pháp. Các hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng, từng bước nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nước ta trong quan hệ với các tổ chức quốc tế, Viện kiểm sát, Viện công tố các nước trên thế giới…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Lương Cường biểu dương và đánh giá cao kết quả công tác mà ngành Kiểm sát đạt được thời gian qua. Qua đó, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát chủ động, tích cực tham mưu, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư pháp; phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của Viện kiểm sát nhân dân với các thiết chế khác trong bộ máy nhà nước, bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, xác định đây là khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Cùng với đó, đổi mới trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp; chủ động phối hợp với liên ngành Tư pháp Trung ương, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động tư pháp.
Chủ tịch nước nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng trong ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động kiểm sát, bảo đảm giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan kiểm sát. Trong thực hiện tổ chức bộ máy, phải chú trọng đến đào tạo, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có đạo đức cách mạng, bản lĩnh, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao, tâm huyết; có tính chuyên nghiệp cao, giỏi chuyên môn, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học - công nghệ…
Liên quan đến vấn đề tinh gọn bộ máy, Chủ tịch nước Lương Cường lưu ý đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, ngành Kiểm sát cần thực hiện tốt chủ trương của Đảng theo hướng sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo; bảo đảm cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh, vị trí việc làm một cách khoa học, sát thực tiễn; xác định rõ nội dung phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Bình luận (0)