Sáng ngày 11-7, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, cho biết có sự việc vừa qua liên quan Cơ quan hậu cần quốc gia - Bulog (cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ) và Cơ quan lương thực quốc gia Indonesia bị một tổ chức dân sự khiếu nại lên Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia - KPU về việc được cho là nâng giá, cộng giá vào giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong đó, ông Trương Sỹ Bá cho biết họ có nêu giá chào của Tân Long là 538 USD/tấn. Chủ tịch Tân Long khẳng định rằng ông không chính thức chào giá này sang Indonesia, mà chỉ có hôm bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia sang thăm Việt Nam có đến tập đoàn để nói chuyện.
Ông Long cho hay: "Trong buổi nói chuyện này, vị Bộ trưởng có hỏi chúng tôi tại thời điểm đó giá gạo xuất khẩu sang Indonesia theo phương thức FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán) là bao nhiêu, sau đó chúng tôi tính toán báo là 538 USD/tấn".
Theo Chủ tịch Tân Long, cơ chế thị trường là minh bạch, công khai. Thị trường tự do nên không chỉ Bộ trưởng Indonesia mà ai hỏi giá ông đều sẽ trả lời.
Đáng chú ý, Chủ tịch Tân Long khẳng định rằng Tập đoàn này không có liên quan gì tới Bulog.
Từ năm 2023 đến nay, Tân Long chỉ trúng duy nhất một lô 30.000 tấn gạo xuất khẩu gạo sang Indonesia thông qua Posco (Hàn Quốc) với giá 620 USD/tấn và không trúng trực tiếp bất cứ lô hàng nào của Bulog.
Ngày 8-7 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia phát đi cảnh báo xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia có thể gặp bất lợi do Cơ quan hậu cần Quốc gia - Bulog (Cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ Indonesia) và Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia bị một tổ chức dân sự People's Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (KPU) vì liên quan tới cáo buộc nâng giá từ việc mua gạo.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nhìn nhận điều này có khả năng sẽ ảnh hưởng bất lợi tới việc thu mua lúa gạo của Indonesia từ Việt Nam từ nay đến hết năm 2024 hoặc cho tới khi vụ việc được điều tra làm rõ.
Từ vụ việc này, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần thận trọng trong bất cứ giao dịch, phát ngôn; cạnh tranh lành mạnh, không để ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Indonesia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của gạo Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024, chiếm gần 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Bình luận (0)