Sau một ngày đạp xe khắp các con hẻm ở TP Thủ Đức, TP HCM, bà Nguyễn Thị Dậu (61 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) nhặt được một bao tải đồ đồng nát, phế liệu. Chỉ vậy thôi nhưng cũng khiến bà vui cả ngày vì cuộc sống của hai vợ chồng phụ thuộc vào công việc nhặt ve chai. Nếu giá thu mua cao thì mỗi ngày bà cũng kiếm được từ 50.000 - 100.000 đồng.
Bao nhiêu năm chật vật mưu sinh với nghề nhặt phế liệu, cuộc sống của vợ chồng bà Dậu vẫn luôn trong tình trạng bấp bênh. Chạy ăn từng bữa đã khó khiến ông bà không dám nghĩ đến chuyện chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Nếu không may phải đi viện thì cũng chẳng biết phải làm như thế nào, đành phó mặc cho số phận.
Theo số liệu của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ước tính số lượng đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và người có thu nhập thấp ở nước ta hiện có hơn 25% dân số.
Trong đó, có khoảng 12 triệu người cao tuổi; 7,06 triệu người khuyết tật; 10 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần; 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 2,23% hộ nghèo và 3,1% hộ cận nghèo; 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và 1,5 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hằng năm.
Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, dự báo đến năm 2035, tỉ lệ người cao tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 20% dân số. Trong khi đó, ở Việt Nam, nguồn thu nhập của người cao tuổi chủ yếu là từ hỗ trợ của con cái và từ việc làm hiện tại của họ.
Phần lớn người cao tuổi là đối tượng lao động tự làm hoặc lao động gia đình không được trả lương, trong khi tỉ lệ lao động làm công ăn lương thấp, họ tham gia lao động với vị thế của lao động dễ tổn thương.
Thực tế, hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận người cao tuổi. Hiện mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 61% còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình...
Theo bà Trịnh Thị Nguyệt, chuyên gia Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để hướng tới phát triển bền vững bao trùm, toàn diện trong đó có thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và dịch chuyển công bằng, Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Đặc biệt, quan tâm đến người yếu thế: người khuyết tật, người cao tuổi, lao động di cư…
Bình luận (0)