Tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp (DN) từ lâu đã ý thức việc đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào quản lý, vận hành là yêu cầu cấp thiết.
"Lột xác" nhờ số hóa
Việt Thắng Jean là một trong những DN ngành dệt may như vậy. Từ số lượng công nhân luôn duy trì mức 1.200 - 1.300 người những năm 1990, đến đầu năm 2024, tổng số công nhân còn chưa tới 400. Công nghệ tự động hóa kết nối trên nền tảng internet dần thay thế người lao động, giúp công ty giảm chi phí nhân công, cải thiện năng suất lao động, hạn chế rủi ro đứt gãy sản xuất.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT công ty, nhiều lần chia sẻ nhờ công nghệ lập trình trên máy mà chưa tới 10 giây đã cho ra đời 1 chiếc quần jeans thành phẩm, trong khi nếu áp dụng theo công nghệ cũ phải mất khoảng 13 phút. Ngoài ra, công ty còn ứng dụng công nghệ mới vào khâu nhuộm và điều chỉnh vải, giúp giảm chất thải ra môi trường.
Tại công ty này, số hóa được ứng dụng triệt để vào mọi hoạt động, từ văn phòng đến nhà xưởng, kho và bộ phận kinh doanh. Đơn cử, tại xưởng sản xuất, mọi khâu quản lý đều theo lập trình, công nhân làm việc trực tiếp trên dây chuyền, theo dõi, kiểm tra số lượng, chất lượng hàng hóa, thậm chí có thể tự chấm công cho mình thông qua các thông số trên đồng hồ điện tử.
Còn tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại In Minh Mẫn, 2 năm trở lại đây có sự thay đổi rõ rệt nhờ tham gia vào chương trình đào tạo chuyên gia chuyển đổi số của Tập đoàn Samsung phối hợp Bộ Công Thương tổ chức.
Bà Trương Thị Thu Trâm, Phó Tổng Giám đốc công ty, cho biết từ việc sản xuất bán tự động, công ty đã nhập một số máy tự động và đưa công nghệ vào quản lý, vận hành sản xuất. "Bộ phận quản lý và ban giám đốc công ty có thể theo dõi, nắm bắt mọi hoạt động của nhà máy từ xa. Kể cả khi đi công tác nước ngoài, tôi cũng có thể kiểm soát được có bao nhiêu máy đang hoạt động, hiệu suất mỗi máy thế nào" - bà Trâm nói.
Theo bà Trương Thị Thu Trâm, công ty đang chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 của chuyển đổi số để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản trị sản xuất, mọi hoạt động của nhà máy lẫn các khối văn phòng, kinh doanh…
"DN xác định trọng tâm để ưu tiên đầu tư chuyển đổi số theo từng giai đoạn. Ứng dụng công nghệ một mặt đòi hỏi có vốn để đầu tư, một mặt phải liên tục đào tạo, huấn luyện người lao động làm quen, làm bạn và tiến tới làm chủ thiết bị số" - bà Trâm nói.
Với Công ty CP Tập đoàn Điện Quang, việc đầu tư mạnh vào công nghệ và chuyển đổi số đã giúp DN trong thời gian ngắn từ đơn vị sản xuất thiết bị chiếu sáng thuần túy trở thành tập đoàn công nghệ. Đây là một trong những DN Việt Nam áp dụng hình thức chăm sóc khách hàng bằng mã QR sớm nhất. Từ năm 2022, khách hàng mua sản phẩm Điện Quang đã có thể quét mã QR để kiểm tra xuất xứ, thông tin sản phẩm, thời hạn bảo hành...
Không thể chậm
Hiện nay chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc đối với các DN. Hầu hết DN ở mọi ngành nghề, mọi mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều ứng dụng số hóa với cấp độ khác nhau. Đặc biệt, tại Khu Công nghệ cao TP HCM cũng như những khu chế xuất, khu công nghiệp, một lượng lớn DN đã tự động hóa gần như 100%. Công nghệ số được ứng dụng vào quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán...
TS Huỳnh Thanh Điền, ĐH Kinh tế TP HCM, đánh giá nhờ công nghệ số, nhiều khách hàng nước ngoài giám sát việc sản xuất, kinh doanh tại nhà xưởng của nhà sản xuất tại Việt Nam từ xa thay vì phải trực tiếp sang giám sát như trước đây.
Đổi mới toàn diện
Chuyển đổi số là vấn đề cấp bách với các DN cả nước nói chung và TP HCM nói riêng. Theo Quyết định 2393/2020, UBND TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số đóng góp khoảng 25% GRDP và tăng lên mức 40% vào năm 2030.
Cũng theo văn bản trên, đến năm 2030, TP HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Các DN dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ... thiết kế sản phẩm mẫu bằng công nghệ 3D, IoT và chào hàng với các nhà mua hàng quốc tế. Các khâu như làm mẫu, duyệt mẫu đều thực hiện trên không gian mạng.
Trong kinh doanh, DN chuyển đổi số rất nhanh, tận dụng kênh bán hàng trực tuyến để đưa hàng hóa ra thị trường. Sự thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra ở nhiều ngành sản xuất, kinh doanh vì chuyển đổi số là chuyện sống còn của DN. Đến nay, DN nào tồn tại và phát triển được đều là DN đã ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, kinh doanh, bán hàng. Phần lớn DN đã áp dụng văn phòng điện tử, kiểm soát công việc trên hệ thống...
"Tôi tư vấn cho rất nhiều công ty, thấy công ty nào cũng có chương trình chuyển đổi số tổng thể hoặc từng phần để tạo ra doanh thu tăng thêm từ ứng dụng công nghệ số. Riêng tại TP HCM, DN ứng dụng số hóa rất nhanh, rất mạnh" - TS Điền nhận xét.
Theo TS Điền, chuyển đổi số đơn giản là chuẩn hóa quy trình, dữ liệu và áp dụng công nghệ thông tin. Trước đây, lãnh đạo nhiều DN nhận thức chưa đầy đủ, quyết tâm không cao và người lao động không thật sự hợp tác nên chuyển đổi số thất bại rồi bỏ cuộc nhưng gần đây họ quyết tâm làm cho bằng được.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TP HCM, nhìn nhận trước dịch COVID-19, chuyển đổi số vẫn là câu chuyện khá mới mẻ nhưng đến nay đã là việc không thể không làm. "Đại dịch buộc DN phải vận hành mọi hoạt động từ xa và đưa sản phẩm đến với khách hàng thông qua kênh mua sắm online. Từ đà đó, nhiều DN đã chuyển đổi cả mô hình và phương thức kinh doanh" - ông Tuấn nhận xét.
Theo ông Tuấn, chuyển đổi số hiện nay không quá khó khi các chính sách đã đủ. DN phải "chạy" và "chạy" nhanh bởi luật chơi trong giai đoạn này là "cá nhanh nuốt cá chậm" chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ.
Những DN chậm chuyển đổi sẽ mất thị trường, hoạt động teo tóp dần hoặc buộc phải đóng cửa. "Chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, tuy nhiên thực hiện chuyển đổi số không phải là tư duy ngày mai đi mua một phần mềm hay một công nghệ về áp dụng mà cần quan tâm tới bối cảnh nguồn lực và những điều kiện riêng mà DN đang có" - ông Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Yếu tố con người quyết định
Năm 2023, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP HCM (HEPZA) đứng đầu trong đánh giá chuyển đổi số khối sở, ban ngành thành phố.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng HEPZA, cho biết kết quả này có được từ sự thống nhất và quyết tâm lớn của lãnh đạo HEPZA lẫn các chuyên viên từng phòng, ban chuyên môn.
Hằng tuần, hằng quý, HEPZA đều có những buổi họp lồng ghép nội dung về chuyển đổi số nhằm rà soát tiến độ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ban quản lý đã hoàn thành nâng cấp trang thông tin điện tử và đưa vào vận hành từ đầu tháng 7-2023. Hepza cũng bổ sung tiện ích, tăng mức độ tương tác giữa doanh nghiệp và ban quản lý.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính được HEPZA tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố. "92% hồ sơ được giải quyết trước hạn, 8% hồ sơ giải quyết đúng hạn. Có 7 thủ tục hành chính được ban quản lý giải quyết trong ngày, trong khi theo quy định, các thủ tục này có thời gian giải quyết từ 3 đến trên 10 ngày" - ông Hưng thông tin.
Từ thực tế tại đơn vị mình, ông Hứa Quốc Hưng cho rằng để cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số cần có nguồn lực tài chính và con người. "Xây dựng phần mềm tốn kinh phí nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người" - ông Hưng khẳng định.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-7
Bình luận (0)