Để giải bài toán tai nạn cũng như ùn tắc, TP HCM đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành giao thông thông minh đầu tiên của cả nước
Tắt máy chiếc taxi, anh Trần Nhật Nguyên (ngụ quận 12, TP HCM) kết thúc một cuốc xe nhẹ nhàng, bước vào quán cơm ăn trưa để sẵn sàng cho hành trình tiếp theo.
"Bảo bối" cho người đi đường
Nguyên kể công việc của anh thường xuyên di chuyển qua các quận, huyện ở TP HCM. Ngoài Google Map thì phần mềm giao thông TTGT TP HCM - hỗ trợ cập nhật nhanh chóng tình hình giao thông - là "bảo bối" không thể thiếu của cánh tài xế. Nhờ theo dõi thường xuyên camera trên ứng dụng này mà những chuyến đi thoải mái hơn, tài xế và hành khách không mệt mỏi vì tình trạng ùn tắc như trước.
Anh Nguyên đánh giá người dân không phải chịu cảnh kẹt xe bị động mà đã có phương án ứng phó, thay đổi lộ trình di chuyển nhờ ứng dụng cài trên thiết bị cá nhân. "Nếu TP HCM nâng cấp để ứng dụng có thể dự báo tình hình giao thông trước vài giờ thì tốt hơn. Khi đó, mọi người có thể chủ động tránh kẹt xe, ngập nước. Như vậy, giao thông bớt hỗn loạn, giảm ô nhiễm môi trường" - anh nhận xét.
TTGT TP HCM là một ứng dụng thuộc hệ thống những giải pháp hướng tới sự tối ưu trong điều hành giao thông ở TP HCM. Trước đó, từ cuối năm 2019, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thành phố đã chính thức hoạt động. Đây được xem là trung tâm điều hành giao thông thông minh đầu tiên của cả nước ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý điều hành giao thông.
Theo đó, đèn tín hiệu giao thông được điều khiển linh hoạt thông qua hệ thống cảm biến quan trắc. Các thông số về giao thông như lưu lượng, vận tốc trung bình, mật độ phương tiện... được truyền dữ liệu về trung tâm liên tục. Trên cơ sở đó, trung tâm đưa ra phân tích, cảnh báo phân luồng từ xa, góp phần giải tỏa ùn tắc, nhất là tại những khu vực trọng điểm như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái…
Tạo ý thức tốt cho tài xế
Toàn TP HCM hiện có trên 1.100 camera kết nối về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Còn trong phạm vi 36 km2 tại các quận 1, 3, 5, 10 và 1 phần quận 4, Tân Bình…, hệ thống camera, thiết bị quan trắc được chuyển về thông qua 220 chốt đèn.
Bên cạnh đó, khoảng 25 bộ thiết bị đo tốc độ được lắp đặt tại 9 vị trí trên các trục đường cửa ngõ như Quốc lộ 22, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, Quốc lộ 1, đường hầm sông Sài Gòn... nhằm hỗ trợ công tác xử lý các phương tiện có hành vi vi phạm tốc độ.
Những thiết bị thông minh này giúp cơ quan chức năng giám sát tình hình giao thông, góp phần xử lý nhanh các điểm ùn tắc.
"Hơn 4 năm vận hành, Trung tâm Điều hành giao thông thông minh đã tác động tích cực đến ý thức tham gia giao thông của người dân, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP HCM.
Qua đó, cung cấp thông tin giao thông cho người dân cũng như hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Hệ thống còn giúp mô phỏng, phân tích, dự báo nhu cầu giao thông nhằm hoạch định chiến lược ứng phó với các thay đổi trong việc lựa chọn lộ trình di chuyển của người dân.
Không chỉ giúp người dân chủ động tránh các điểm kẹt xe, hệ thống "mắt thần", bộ đếm tốc độ lắp đặt trên nhiều tuyến đường tại TP HCM còn nâng cao ý thức của nhiều người khi tình trạng phóng nhanh vượt ẩu đã giảm. Điển hình, trên các tuyến đường như Quốc lộ 22, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, Quốc lộ 1... - nơi có mật độ phương tiện đông đúc, xe tải, xe container lưu thông thường xuyên, hệ thống camera, bộ đếm tốc độ nhắc nhở tài xế mỗi khi tăng tốc.
Ông Trần Văn Sửu, một người dân sống cạnh Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn), nhận định nhờ có máy đo tốc độ và biển cảnh báo mà xe tải, xe khách chạy "êm" hơn. Tai nạn giao thông nhờ đó cũng giảm.
Hướng tới sự hoàn thiện
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị TP HCM Đoàn Văn Tấn, để mở rộng phạm vi cũng như nâng cấp tính năng thông minh, cuối năm 2024, đơn vị sẽ đấu thầu, triển khai dự án đầu tư hệ thống điều khiển giao thông linh hoạt ở các trục giao thông chính trên địa bàn; bổ sung hệ thống camera phục vụ kiểm soát giao thông với tổng kinh phí đầu tư 250 tỉ đồng.
Dự án khi hoàn thành sẽ giúp mở rộng phạm vi số hóa dữ liệu cho ngành giao thông. Hệ thống cơ sở dữ liệu này giúp cơ quan chức năng giám sát tình hình giao thông, góp phần xử lý nhanh các điểm ùn tắc; cung cấp thông tin giao thông cho người dân. Hệ thống này còn hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông và mô phỏng, phân tích, dự báo nhu cầu giao thông...
Theo ông Tấn, 200 chốt đèn tín hiệu giao thông tại các quận 4, 6 và 7 sẽ được nâng cấp, kết nối về Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị, nâng tổng số lên 420 chốt đèn được kết nối.
Song song đó, đơn vị sẽ đầu tư thiết bị quan trắc giao thông tại 300 vị trí, nâng tổng số tuyến đường có thiết bị quan trắc giao thông lên khoảng 40; tăng cường camera giám sát, kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ phát hiện sự cố giao thông tự động tại 200 vị trí.
"Ngoài việc đầu tư nâng cấp chốt đèn tín hiệu, lắp đặt camera và thiết bị quan trắc giao thông, dự án cũng sẽ đầu tư nâng cấp phần mềm tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục, cuối năm 2024 tổ chức mời thầu và triển khai thi công, hoàn tất dự án vào cuối năm 2025" - ông Tấn cho hay.
(Còn tiếp)
5 trụ cột
Hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, TP HCM đẩy mạnh triển khai các dự án thí điểm ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực.
UBND TP HCM cho biết việc chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ, nhất quán trên 5 trụ cột: Nền tảng số căn bản; kinh tế số mạnh mẽ; xã hội số phổ biến; chính quyền số tiến bộ; an ninh, an toàn số. Từ đây, chuyển đổi số sẽ tạo sức lan tỏa, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp tích cực hưởng ứng thực hiện.
P.Anh
Bình luận (0)