Bước sang năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, biến động địa chính trị gia tăng, xu hướng bảo hộ kinh tế nội địa lan rộng, việc bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá là nhiệm vụ, thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Dự báo bức tranh kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 còn ít khởi sắc do diễn biến xung đột Nga - Ukraine, giữa Israel và Hamas vẫn gia tăng. Yếu tố này tác động lan tỏa đến nhiều nền kinh tế, các ngân hàng trung ương cũng đang tiếp tục chống lạm phát, kiên trì chính sách lãi suất cao, siết chặt tiêu chuẩn cho vay. Trung Quốc tuy đã mở cửa để phục hồi kinh tế sau đại dịch nhưng vẫn rất thận trọng trong các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, do đó chưa thấy rõ tác động tích cực từ nền kinh tế lớn này đến kinh tế thế giới.
Trong khi đó, sức mua yếu, sức sản xuất dần sụt giảm thể hiện rõ ở nhiều nước khiến cho các tổ chức kinh tế quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia, khu vực kinh tế còn rất khiêm tốn ở mức thấp, nhất là ở các đầu tàu kinh tế như Mỹ, khu vực đồng euro.
Đối với Việt Nam, tốc độ phát triển kinh tế cũng đang gặp trở ngại khi xuất khẩu cũng giảm trong bối cảnh chung nhu cầu tiêu dùng giảm. Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu và độ mở cao của nền kinh tế nên diễn biến giá trong nước gắn khá mật thiết với biến động giá nguyên - nhiên - vật liệu thế giới đang vẫn ở mức cao và diễn biến khó lường.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và thực hiện theo thẩm quyền đồng bộ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý giá. Tăng cường tập trung các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 bảo đảm thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá. Cùng với đó, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp. Giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá, đặc biệt trong các thời điểm có biến động giá như lễ, Tết, điều chỉnh chính sách tiền lương.
Trong năm 2024, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Minh Chiến ghi
Bình luận (0)