Tại hội nghị, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), nói GDNN ở Việt Nam và thế giới đứng trước nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, công nghệ biến đổi quá nhanh. Xu hướng hội nhập quốc tế dẫn đến cạnh tranh toàn cầu nên đòi hỏi tăng năng suất lao động…
Theo ông Quốc Bình, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 70 trường dạy nghề chất lượng cao, 40 trường dạy nghề tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển G20. Đến năm 2030, sẽ có 90 trường chất lượng cao, 60 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, 6 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển G20, chất lượng đào tạo nghề tăng 40 - 50 bậc theo GCI4.0.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết số lượng lao động cần tuyển dụng ở khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trong năm 2024 khoảng 220.255 người. Tuy nhiên, thị trường lao động ở nước ta phát triển chưa đủ mạnh, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề và nhân lực chất lượng cao. Nhất là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã làm cho thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, ước tính tỉ lệ mất việc làm do ứng dụng công nghệ ở Việt Nam từ 10% - 70%. "Việc làm ít có nguy cơ bị thay thế bởi công nghệ là những công việc đòi hỏi cao về kỹ năng con người, kỹ năng nhận thức bậc khó, kỹ năng đọc hiểu và toán học trình độ cao. Còn những việc làm yêu cầu kỹ năng toán học, đọc hiểu cơ bản có nguy cơ cao bị tự động hóa thay thế" - ông Trọng Bình nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu đánh giá những ngành, lĩnh vực có lợi thế phát triển tương lai là thông tin truyền thông, thương mại điện tử, logistics, dịch vụ du lịch, giáo dục - đào tạo. Nhiều lao động trong các ngành nghề của Việt Nam có thể đối diện nguy cơ thất nghiệp nếu không kịp thời trau dồi kiến thức mới - nhất là lao động ngành nông nghiệp, dệt may, kế toán, lắp ráp và sửa chữa thiết bị. Số lao động này đang chiếm tỉ lệ không nhỏ trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay.
Do đó, giải pháp được ông Trọng Bình đưa ra là cần nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi các chính sách để hạn chế thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động. Đầu tư, phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương, đồng thời sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực.
Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết năm 2024 dự kiến tuyển chọn 15.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, 500 thực tập sinh đi thực tập tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan, 50 - 100 thực tập sinh đi thực tập trong ngành hộ lý theo chương trình Osaka, đồng thời đang tiếp tục đàm phán với HRD Korea mở rộng các ngành nghề: dịch vụ, công nghiệp gốc... Do đó, rất cần lao động có tay nghề.
Bình luận (0)