Ngược với kỳ vọng sớm vượt 1.300 điểm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết bắt đầu báo cáo lợi nhuận quý II/2024 với những thông tin khởi sắc, thị trường chứng khoán vẫn đi xuống. VN-Index chốt tuần qua quanh 1.264 điểm, giảm 1,25% so với tuần trước. Nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường còn giảm điểm tiếp.
Áp lực bán vẫn lấn lướt
Chị Thanh Nga, một nhà đầu tư chứng khoán ở TP HCM, cho biết tuần qua, chị tiếp tục mua cổ phiếu dòng bất động sản với kỳ vọng một loạt luật sửa đổi liên quan thị trường này có hiệu lực từ ngày 1-8 sẽ tạo làn gió mới. Thế nhưng, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn giảm mạnh.
"Tôi mua cổ phiếu chưa về tài khoản đã lỗ 5%-7%. Ngay cả nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch kém tích cực, trái với thông tin báo lãi quý II mà nhiều công ty vừa công bố" - chị Nga băn khoăn.
VN-Index không chỉ giảm về điểm số mà thanh khoản cũng cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài có thêm một tuần bán ròng hơn 730 tỉ đồng trên sàn HoSE. Chỉ trong nửa đầu năm nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 53.000 tỉ đồng.
Nhiều DN niêm yết đang vào mùa chia cổ tức với tỉ lệ "khủng" bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt. Không ít nhà đầu tư mua cổ phiếu với kỳ vọng giá sẽ tăng mạnh sau thông tin chia cổ tức. Tuy nhiên, không ít DN vừa chia cổ tức xong thì giá cổ phiếu lại lao dốc, khi cổ tức chưa về tài khoản.
Ông Đồng Thanh Tuấn, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng thị trường thiếu đi những nhịp tăng điểm mạnh mẽ đến từ việc giao dịch suy yếu của các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng (NH) và bất động sản (chiếm tỉ trọng 51% vốn hóa thị trường). Ngành NH dù ghi nhận tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong nửa đầu tháng 6-2024 nhưng chưa được phản ánh trong lợi nhuận quý II. Ngành bất động sản cũng chưa thật sự khởi sắc.
Không dễ "lướt sóng"
Dù thị trường giảm điểm 2 tuần liên tiếp nhưng vẫn nằm trên vùng 1.250 điểm và đang có nhiều yếu tố hỗ trợ giai đoạn tới. Hiện các DN bắt đầu công bố lợi nhuận quý II với những cái tên nổi bật ở ngành NH, chứng khoán, thép, hàng không, dầu khí…
Ông Võ Kim Phụng, Trưởng Phòng Phân tích - Công ty Chứng khoán BETA, nhận định yếu tố từ lợi nhuận khả quan có thể kích thích dòng tiền tập trung vào các nhóm ngành có nền tảng tốt. Thời điểm nào cũng có nhóm ngành, cổ phiếu tốt hơn thị trường chung (VN-Index). Nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm ngành, nhóm cổ phiếu triển vọng tốt; không nên hoảng loạn bán tháo khi thị trường giảm điểm, mà đây có thể là cơ hội để mua cổ phiếu tiềm năng với giá hấp dẫn.
Vì sao DN vừa chia cổ tức xong, giá cổ phiếu lại lao dốc? Chuyên gia tài chính cá nhân Lê Xuân Huy nhận định cổ phiếu tăng hay giảm phần lớn do cung cầu trên thị trường. Việc chia cổ tức phản ánh triển vọng khác nhau của DN. Nhà đầu tư mua cổ phiếu và nắm giữ để nhận cổ tức cần lựa chọn các ngành đang tăng trưởng tốt hoặc phục hồi theo nền kinh tế.
"Nên lựa chọn DN có kết quả kinh doanh tăng trưởng hoặc phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn, đang có kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh. Chỉ nên mua cổ phiếu và nắm giữ để hưởng cổ tức đối với DN có nhu cầu tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh" - ông Lê Xuân Huy nhìn nhận.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán. Trong đó, có quy định nhằm tháo gỡ nút thắt nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% giao dịch (prefunding).
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, chuyên gia kinh tế cao cấp của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, trường hợp Việt Nam có thể xử lý được vấn đề về ký quỹ trước giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, đáp ứng tiêu chí để tăng hạng thị trường vào cuối năm 2025, các nhà đầu tư đang giảm tỉ trọng sẽ phải cân nhắc lại. Hơn hết, với nền kinh tế và lợi nhuận DN đang phục hồi, VN-Index có mức định giá P/E khoảng 11,5 lần là hợp lý cho khoản đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bình luận (0)