TP Đà Nẵng được mệnh danh là "thành phố đáng sống". Nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc gìn giữ cảnh quan, môi trường biển sạch đẹp cũng góp phần làm nên "thương hiệu" này.
Xử lý "điểm nóng" rác thải
Có thời điểm, âu thuyền - cảng cá Thọ Quang tại Đà Nẵng phải tiếp nhận hơn 1.000 tàu thuyền vào trú tránh, bán hải sản khiến khu neo đậu trở nên quá tải. Lượng rác thải từ tàu cá, chợ hải sản, xưởng đóng tàu và khu dân cư xung quanh đã biến âu thuyền này thành "túi" đựng rác khổng lồ, gây ô nhiễm kéo dài.
Trước thực trạng ấy, cuối năm 2022, Ban Quản lý (BQL) Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang đã thực hiện sáng kiến "Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường" và ban hành quy chế hoạt động của Tổ Giám sát môi trường cộng đồng.

Ra quân tuyên truyền chống rác thải nhựa, đổi rác thải lấy quà cho ngư dân, tiểu thương tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang
BQL Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang đã tập huấn, hướng dẫn ngư dân và thương nhân trong khu vực phân loại rác thải; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rác; thúc đẩy hoạt động của Tổ Giám sát môi trường cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phản ánh, xử lý các vấn đề về môi trường. Chi đoàn thanh niên thuộc BQL Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang tạo nhóm Zalo "Chung tay vì môi trường", thường xuyên đăng tải nội dung tuyên truyền, bản tin môi trường...
Đầu tháng 8-2024, vừa trở về sau một chuyến biển, anh Nguyễn Văn Thành (quê Quảng Nam) cho hay việc thu gom, phân loại rác thải để đưa vào đất liền đã trở thành thói quen của ngư dân. Số lượng rác được cập nhật cụ thể trên ứng dụng "Quản lý rác thải âu thuyền Thọ Quang", làm cơ sở cấp phiếu chứng nhận. Phiếu chứng nhận nộp rác này rất quan trọng bởi nếu thiếu, Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang sẽ không cho phương tiện xuất bến.
Không chỉ ngư dân mà tiểu thương cảng cá Thọ Quang cũng dần hình thành ý thức bảo vệ môi trường. Mỗi ngày, trong nhóm Zalo "Chung tay vì môi trường âu thuyền - cảng cá Thọ Quang", tiểu thương đăng tải nhiều hình ảnh về phân loại, thu gom rác để đôn đốc, nhắc nhở nhau. Việc phân loại, thu gom rác được thực hiện xuyên suốt trong quá trình buôn bán tại khu vực kinh doanh tạp hóa. Cuối ngày, tiểu thương cân số lượng rác rồi cập nhật lên ứng dụng.
Đến nay, hầu hết tiểu thương đã thực hiện tốt mô hình này. Mỗi ngày, họ thu gom hàng trăm ký rác thải nhựa chuyển cho đơn vị chuyên xử lý, tái chế.
"Bãi biển xanh - Không rác thải"
Những năm qua, việc phát triển các sản phẩm du lịch biển theo hướng bền vững luôn được lãnh đạo TP Đà Nẵng chú trọng, liên tục chỉ đạo sâu sát. Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, BQL đã thực hiện hiệu quả nhiều mô hình nhằm bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, góp phần gìn giữ biển Đà Nẵng xanh - sạch - đẹp.

Hơn 300 tình nguyện viên tham gia làm sạch bãi biển Đà Nẵng ngày 3-8
Trong đó, đáng chú ý là mô hình "Bãi biển xanh - Không rác thải" Green Beach. Các đơn vị kinh doanh xe hàng lưu động dọc biển Đà Nẵng được yêu cầu nói không với việc sử dụng bao bì nhựa dùng một lần. Thay vào đó, họ được khuyến khích dùng sản phẩm làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế.
Anh Trần Văn Thiên - chủ cơ sở kinh doanh nước giải khát ở bãi biển Mỹ Khê, TP Đà Nẵng - cho hay từ khi áp dụng nguyên tắc 3R (reduce - reuse - recycle: tiết giảm - tái sử dụng - tái chế) với các hình thức ưu đãi (tích điểm, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm), khuyến khích khách hàng mang theo chai đựng, túi, giỏ, ống hút... thì doanh thu đã cải thiện đáng kể. "Phần lớn du khách đều ủng hộ cách kinh doanh xanh, nói không với rác thải nhựa" - anh nhận xét.
BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng còn thực hiện mô hình "Refill - Đổ đầy lại, tái sử dụng chai nhựa đã qua sử dụng" ngay trên bãi biển. Ông Nguyễn Đức Vũ khẳng định: "Ngoài việc vận động tiểu thương, BQL còn thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra để nhắc nhở, xử lý, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại khu vực trong các khung giờ cao điểm".

Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức thực hiện mô hình “Refill - Đổ đầy lại, tái sử dụng chai nhựa đã qua sử dụng”
Theo ông Nguyễn Đức Vũ, sau mỗi trận bão hoặc mưa lớn, lượng rác phát sinh trên bãi biển Đà Nẵng rất nhiều. "Chúng tôi thường huy động cộng đồng tham gia dọn rác tại các bãi biển và nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình. Số lượng tình nguyện viên tham gia mỗi lần lên đến 3.000 - 4.000 người, góp phần chung tay lan truyền thông điệp bảo vệ đại dương, giữ gìn bãi biển Đà Nẵng xanh - sạch - đẹp" - ông cho biết.
Giám sát bằng công nghệ thông minh
Ông Phạm Trung Thành, Phó BQL Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang, cho biết thời gian qua, Đà Nẵng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào hoạt động dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 nhằm đầu tư đồng bộ, hoàn thiện khu vực này theo hướng trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá gắn với du lịch. Trong đó, việc bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức giảm thiểu rác thải nhựa cho ngư dân và tiểu thương là vấn đề trọng tâm, tiên quyết.
Ngoài việc tuyên truyền, BQL Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang còn vận hành hiệu quả hệ thống camera thông minh với hơn 70 chiếc để giám sát tàu thuyền, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Hệ thống này giúp nhận dạng tàu thuyền, xe máy, ô tô ra vào khu vực.
Dự kiến, BQL Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang sẽ nâng lên 200 camera giám sát, đồng thời nâng cấp phần mềm nhận dạng tàu thuyền. Theo BQL, ứng dụng công nghệ thông minh này sẽ giúp đơn vị kết hợp với việc theo dõi khai báo lượng rác thải nhựa trong quá trình đi biển của ngư dân, giám sát khai báo quá trình tàu thuyền đánh bắt...
Bình luận (0)