Ngày 29-12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tham dự hội nghị có nhiều lãnh đạo bộ, ngành và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.
Điểm sáng của kinh tế số
Báo cáo của Bộ TT-TT dẫn cập nhật mới nhất của Google, Temasek và Bain & Co cho biết Việt Nam là một trong những điểm sáng của kinh tế số khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2023 tiếp tục tăng 19%, cao nhất khu vực Đông Nam Á, cao hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng tưởng cao nhất trong khu vực. Ước tính tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn 2023 - 2025.
Cũng theo Bộ TT-TT, tổng khối lượng hàng hóa kinh tế số Việt Nam năm 2023 ước đạt 30 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2022. Trong đó, thương mại điện tử khoảng 16 tỉ USD, vận tải và thực phẩm 3 tỉ USD, du lịch trực tuyến 5 tỉ USD và giải trí trực tuyến 5 tỉ USD. Năm 2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 3,7 triệu tỉ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 99.323 tỉ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022. Đóng góp vào GDP của ngành TT-TT ước đạt hơn 887.000 tỉ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022.
Đáng chú ý, số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022; nằm trong tốp 6 quốc gia có nền tảng số bản địa có số lượng người dùng hằng tháng (MAU) trên thị trường trong nước lớn nhất (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản).
Từ những kết quả đạt được, đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Bộ TT-TT đặt mục tiêu tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng ước đạt 40 tỉ USD. Định hướng đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm trên 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20% - 25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng GDP.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đi qua 4 năm và đã đến lúc đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng.
Về phương hướng phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Bên cạnh đó, hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.\
Cần cơ chế đặc thù, đặc biệt
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những đóng góp rất lớn của ngành TT-TT, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số vừa là mục tiêu vừa là động lực. Các bộ, ngành, địa phương đều cần, muốn chuyển đổi số và bị áp lực chuyển đổi số. Chuyển đổi số là "cứu cánh" trong cải cách hành chính và hướng đến các năm 2030, 2045 phải "đi tắt đón đầu" thông qua chuyển đổi số. Thế giới đang phát triển lớn mạnh, nếu không kịp thời cập nhật sẽ bị bỏ lại, vì vậy cần thường xuyên cập nhật các công nghệ mới để đến gần với thế giới hơn nữa.
Thể hiện sự tâm đắc với câu nói của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Đối với những việc khó phải có cách tiếp cận và cách xử lý khác", Phó Thủ tướng gợi mở: Trước hết phải thay đổi tư duy, suy nghĩ, cách làm và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp. Đây là việc không dễ, có thể kể đến 3 cách thực hiện, gồm: tạo sự hứng khởi để mọi người làm theo; vận động thuyết phục; yêu cầu thực thi bằng các quy định.
Về xây dựng thể chế, Phó Thủ tướng nhìn nhận một trong những rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là thể chế chính sách, bởi có những quy định tạo thuận lợi nhưng cũng còn quy định là rào cản. Do đó, cùng với việc xây dựng thể chế còn phải sửa các quy định không hợp lý. Cần làm nhanh, kịp thời và phải hết sức chuẩn mực, sửa chữa những quy định chưa hợp lý. "Chuyển đổi số là một lĩnh vực rất đặc biệt nên cần nhiều cơ chế đặc thù. Nếu không có cơ chế đặc thù, không thể giải quyết được vấn đề" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
"Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ luôn đồng hành với ngành TT-TT hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" - Phó Thủ tướng khẳng định.
Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ cụ thể hóa các chỉ đạo của Phó Thủ tướng vào các định hướng, nhiệm vụ năm 2024. Toàn ngành TT-TT cam kết sẽ nỗ lực để 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025.
Cần có cơ chế đặc biệt cho báo chí
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn lại Nghị định 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ quan báo chí và nêu vấn đề: Nếu coi cơ quan báo chí như là một doanh nghiệp cạnh tranh bình thường, sòng phẳng thì phần nhiệm vụ chính trị giao nằm ở đâu? Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị: "Tôi mong các đồng chí có chính sách cơ chế đặc biệt. Nếu không có cơ chế, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu cuối cùng".
Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành TT-TT tuyệt đối không chủ quan trong quản lý báo chí. Theo đó, từng bước chấn chỉnh, tiến tới chấm dứt các sai phạm của báo chí; nâng cao sức mạnh cạnh tranh trong sức ép truyền thông đa phương tiện, giúp phóng viên báo chí trụ được với nghề. Đặc biệt, thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 để hoàn thành việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí.
Bình luận (0)