Với vị trí đắc địa, được thiên nhiên ưu đãi với núi và biển, mỗi vùng đều có cảnh đẹp, đặc điểm vùng miền rất riêng biệt, Việt Nam có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng.
Cơ hội và thách thức
Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam lần đầu tiên lập kỳ tích đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018 và tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới. Cũng trong năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đoạt giải thưởng Điểm đến di sản hàng đầu thế giới của World Travel Award.
Đại dịch COVID-19 ập đến, ngành du lịch gần như "đóng băng". Đến khi bắt đầu trạng thái bình thường mới, thói quen và hành vi du lịch của du khách cũng thay đổi, buộc ngành du lịch, các công ty lữ hành và những cơ sở, tổ chức hoạt động du lịch cũng phải thay đổi tư duy, cách làm, nỗ lực chuyển đổi số (CĐS).
Có nghĩa họ phải tiến hành chuyển dịch từ mô hình kinh doanh và tiếp thị truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại hơn để du khách được trải nghiệm những dịch vụ thuận tiện, đẳng cấp, hấp dẫn…
Nhận thức được sức mạnh của CĐS, các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp (DN) lữ hành đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp công nghệ cũng như thiết lập các chính sách phù hợp để đem lại trải nghiệm tích cực hơn cho du khách.
Ngay từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TT phê duyệt "Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025" trong đó nhấn mạnh cần ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh.
Đến năm 2022 là giai đoạn đẩy mạnh CĐS theo hướng lấy người dân, DN làm trung tâm. Theo đó, chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch cũng được diễn ra trên nhiều địa phương.
Tại TP HCM, ngành du lịch đã có những bước tiến lớn khi ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên cả hai nền tảng Android và IOS; triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2022 để tái hiện sinh động không gian thành phố trên cao, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị một cách trực quan, sinh động...
Việc đẩy mạnh CĐS trong du lịch đưa đến nhiều cơ hội cho các DN cùng ngành, cho phép các DN du lịch sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, đồng thời tối ưu chi phí cho DN.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, quá trình CĐS, ứng dụng công nghệ của ngành du lịch chưa diễn ra đồng bộ và thống nhất; những hoạt động số hóa trong ngành còn diễn ra lẻ tẻ, chưa kết nối và xây dựng cơ sở dữ liệu thành công.
Bởi vậy, quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo cũng như thống kê dữ liệu trong ngành gặp nhiều khó khăn do chưa cập nhật được đầy đủ toàn bộ số liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Đặc biệt là thiếu hụt nguồn lực có đầy đủ kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin.
Ưu tiên đầu tư công nghệ then chốt
Trước những cơ hội và thách thức trên, nhà nước, ngành du lịch và các DN hoạt động trong lĩnh vực này, đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp.
Chính phủ phải có cơ chế, chính sách ưu tiên, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành du lịch cũng như sự liên kết sâu rộng giữa các ngành, bao gồm vận tải, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, danh lam thắng cảnh.
Cần xác định và ưu tiên đầu tư vào các yếu tố công nghệ then chốt hỗ trợ phát triển du lịch thông minh; đầu tư sản xuất phần mềm, hệ thống, chương trình, ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ ngành du lịch; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý và phát triển điểm đến cũng như thống kê du lịch.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ với các nước phát triển để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch hiện đại, chuyển giao công nghệ và hợp tác đầu tư vào Việt Nam.
Hơn nữa, ngành du lịch cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm họ vừa có trình độ chuyên môn du lịch vừa có khả năng đáp ứng nhu cầu.
Cần có chính sách để thu hút nhân tài có trình độ kỹ thuật cao vào làm việc trong ngành du lịch. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng số và các ứng dụng số như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)…
Ngành du lịch cần kết nối du lịch theo vùng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ, trong đó mỗi địa điểm tập trung vào thế mạnh của mình trong các lĩnh vực như du lịch y tế, khám phá, tâm linh, thư giãn...
Dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, theo tiêu chuẩn quốc tế. Hợp tác khu vực nhằm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch, giảm chi phí và tạo điều kiện cho người dân tham gia nhiều hơn vào du lịch. Đối với du khách nước ngoài, ngành du lịch nên mở văn phòng xúc tiến du lịch ở các nước để giới thiệu sản phẩm du lịch Việt Nam.
Nếu thực hiện đúng cách, CĐS sẽ giúp tăng cường tính cạnh tranh, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, giảm thiểu chi phí cho DN và là "chìa khóa" cho ngành du lịch phát triển bứt phá.
Bình luận (0)