Chuyển đổi xanh đã trở thành sức ép, là rào cản kỹ thuật các nước đưa ra trong điều kiện nhu cầu giảm và đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện. Các doanh nghiệp TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đã nhận thức khá đầy đủ về chuyển đổi xanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho biết như vậy trong cuộc trao đổi đầu năm với Phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh câu chuyện chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp Việt.
Phóng viên: Cộng đồng doanh nghiệp Thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn. Ở góc nhìn của ông, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là gì?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Năm 2023, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là sự sự sụt giảm cầu thị trường nước ngoài cũng như trong nước, ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào xuất khẩu như dệt may, da giày, đồ gỗ… Trong năm, vẫn có 1 điểm sáng thuận lợi là xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo và sầu riêng tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng lẫn giá cả.
Một diễn biến đáng chú ý trong năm 2023, đầu năm 2024 là trong lúc hầu hết doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh đơn hàng hoặc không có đơn hàng do khó khăn chung thì qua khảo sát của HUBA cho thấy những doanh nghiệp thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, sản xuất xanh đang có đơn hàng dồi dào. Trong năm 2023, một số doanh nghiệp không thể nhận thêm đơn hàng vì đã vận hành tối đa công suất.
Với thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Âu, từ ngày 1-10-2023, EU chính thức áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.
Điều này cho thấy, "tấm hộ chiếu xanh" là yêu cầu bắt buộc, giúp doanh nghiệp vượt các rào cản và là lợi thế để doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu, lẫn nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường nội địa.
- Theo ông, các doanh nghiệp TP HCM đã sẵn sàng lấy "tấm hộ chiếu xanh" này chưa?
Các doanh nghiệp TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đã nhận thức khá đầy đủ về chuyển đổi xanh. Việc "xanh hóa"này đã trở thành sức ép và là hàng rào kỹ thuật mà nhiều nước đang dựng lên trong điều kiện nhu cầu giảm, buộc doanh nghiệp không thể né tránh hay đứng ngoài cuộc.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp TP HCM có quyết tâm rất cao trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để thích ứng thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn hướng phát triển xanh vừa phù hợp nội lực của doanh nghiệp Việt Nam, vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các thị trường quốc tế đang áp dụng là vấn đề không dễ. Bản thân mỗi doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép rất lớn về vấn đề tài chính, kỹ thuật, công nghệ, thị trường… Hiện nay, đại bộ phận vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên dễ rơi vào cảnh "lực bất tòng tâm" trong công cuộc chuyển đổi xanh.
- TP HCM đã xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là xu thế tất yếu. Lãnh đạo Thành phố cam kết đi đầu trong chuyển đổi xanh. Trong hành trình này, chắc chắn không thể thiếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh?
Đúng là TP HCM xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo. Thành phố cũng xác định sẽ dành nguồn lực tương xứng cho quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Trên thực tế, Thành phố đã ban hành các ý tưởng, kế hoạch về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển đô thị bền vững và các chuyên ngành liên quan khác. Thành phố cũng nhận thức rằng, những điều đang triển khai chưa đầy đủ và cần cập nhật mới. Do vậy, Thành phố đang trong quá trình cập nhật về chiến lược, quy hoạch và đặc biệt là xây dựng thể chế, chính sách chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn, để hướng tới phát triển bền vững rõ nét hơn.
Thành phố đang rà soát chiến lược quy hoạch, đặc biệt ban hành các hệ thống chính sách hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
-Trong các chính sách hỗ trợ này, chính sách nào quan trọng và cần thiết nhất đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại?
Như đã nói ở trên, nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh đã có bước chuyển lớn. Mặt khác, nếu không "xanh", doanh nghiệp không thể xuất hàng đi đâu được nên mong muốn được hướng dẫn, sớm có định chế để sớm thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp đang rất sốt ruột trong triển khai tài chính xanh và thị trường carbon. Cụ thể, doanh nghiệp không biết bắt đầu như thế nào, ai cấp chứng chỉ này, giao dịch với ai, như thế nào, theo khuôn khổ pháp lý nào? Nếu vượt thì phải mua của ai để bù đắp?
Về tài chính xanh, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh là điều rất khó. Do đó, rất cần các định chế tài chính, cơ quan chức năng có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho doanh nghiệp vay lại theo quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp xanh, cần có sự vào cuộc của cơ chế chính sách. Theo cơ chế của Nghị quyết 98 về cho phép khởi động lại chương trình kích cầu và nghị quyết 09 của HHĐND Thành phố về chương trình kích cầu đã đưa các dự án của các doanh nghiệp chuyển đổi xanh vào các chương trình kích cầu với những doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, đầu tư chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ lãi suất từ Thành phố.
-Về phần mình, HUBA có giải pháp gì để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh?
HUBA là tổ chức tập hợp doanh nghiệp, có chức năng lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp để gắn kết lại với nhau. Để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp Thành phố chuyển đổi xanh, HUBA đã tổ chức trao giải thưởng Doanh nghiệp xanh. Sau chương trình này, HUBA đang tổ chức chương trình kết nối với các nhà phân phối để làm tăng sự nhận diện của người tiêu dùng, sự ủng hộ của người tiêu dùng; tăng sự kết nối giữa các doanh nghiệp xanh trên lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng.
Trước mắt, HUBA đã kết nối các doanh nghiệp sản xuất xanh với các hệ thống phân phối chủ lực của TP HCM như Satra, Saigon Co.op và nhà phân phối 100% vốn nước ngoài là MM Mega Market tham gia hợp tác. Các nhà phân phối với thị phần lớn, mạng lưới bán hàng rộng khắp cả nước sẽ giúp doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất. Các nhà phân phối đã thống nhất sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp xanh tiếp cận với người tiêu dùng qua kênh phân phối của mình.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)