Dự kiến hôm nay, 28-12, UBND TP HCM tổ chức hội nghị báo cáo lần 3 - kỳ cuối về lấy ý kiến chuyên gia góp ý đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Chuyển đổi thành vùng công nghiệp tri thức
Theo KTS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, lịch sử phát triển công nghiệp trên thế giới đã cho thấy xu hướng dịch chuyển từ sản xuất thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và sau đó là thâm dụng tri thức. Hệ quả là một lực lượng lao động cũng dịch chuyển, kéo theo sự phân bổ lại dân cư và thay đổi cấu trúc đô thị. Từ đó, các hình thái quần cư và mô hình đô thị - công nghiệp kiểu mới ra đời.
Rà soát trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM cho thấy đa số hướng phát triển chính của thành phố (theo Quyết định 24 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ), ngoài phía Đông có tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và xa lộ Hà Nội đã hình thành một số khu đô thị lớn, còn lại chủ yếu các dự án khu đô thị quy mô nhỏ, vị trí phân tán. Các trục giao thông và khu vực khác thuộc khu Nam, khu đô thị Tây Bắc gần như chưa được đầu tư.
TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng ở cấp độ vùng TP HCM, hoạt động sản xuất của các tỉnh lân cận vẫn mang tính thâm dụng lao động cao, thiếu các dịch vụ thương mại để bổ trợ. Điều đó dẫn đến vùng TP HCM về cơ bản chưa tạo được các nền tảng để chuyển đổi thành vùng công nghiệp tri thức. Kinh tế số, hạ tầng liên thông, phát triển dịch vụ khoa học chưa ngang tầm với khu vực, chưa thúc đẩy được cơ cấu kinh tế đa dạng với hàm lượng tri thức cao, chưa có đột phá về phát triển công nghiệp sạch cũng như thiếu các trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Với bối cảnh hiện tại của TP HCM, TS Nguyễn Anh Tuấn nêu quan điểm cần thiết phát triển mô hình công nghiệp công nghệ cao gắn với dịch vụ (Businness Park). Lý do là thành phố có những khu công nghiệp Cát Lái, Tân Bình, Hiệp Phước, Bình Chiểu và Khu Chế xuất Tân Thuận sẽ hết hạn và việc xây dựng chiến lược chuyển đổi các khu vực trên bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và có lan tỏa cao cho nền kinh tế.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng dựa vào công nghiệp thâm dụng lao động của thành phố đã không còn dư địa để phát triển. Bên cạnh đó, mật độ dân cư của thành phố ngày càng cao, nhu cầu về chất lượng cảnh quan và môi trường của người dân cũng ngày một gia tăng. Do đó các mô hình công nghiệp mật độ thấp với cảnh quan kém hấp dẫn và chất lượng môi trường không cao sẽ trở thành thách thức cho sự phát triển của thành phố trong tương lai. Phát triển mô hình công nghiệp mới là một yêu cầu bức thiết.
Giải quyết bài toán nhà ở, cây xanh
ThS Thạch Phước Hùng, nghiên cứu sinh Đại học Kinh tế TP HCM, tâm đắc với mô hình khu chức năng đô thị hỗ trợ gắn với giáo dục, giải trí và sức khỏe. Mô hình này được xem là giải pháp cho các đô thị đông đúc giãn dân ra các khu vực ngoại thành còn kém phát triển. Quy hoạch của vùng Tokyo (Nhật Bản) là một ví dụ sinh động.
Ông Thạch Phước Hùng cho rằng việc phát triển mô hình như vậy ở các quận vùng ven của TP HCM xuất phát từ nhu cầu thực tế của thành phố và các tỉnh lân cận, bởi thành phố đang thiếu trầm trọng không gian xanh ở các khu vực đô thị.
Ông dẫn chứng các dự án nhà ở trong khu vực đô thị rất khó để đạt tỉ lệ không gian xanh đúng yêu cầu vì quỹ đất hạn chế và chi phí đất quá cao. Ngoài ra, thành phố cũng đang thiếu trầm trọng quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình; quỹ đất dành cho y tế và giáo dục trong khu vực trung tâm thành phố thì không còn dư địa mở rộng…
"Mô hình là giải pháp khả thi cho bài toán phát triển đô thị TP HCM bởi nó xuất phát từ nhu cầu thực tế, kết hợp hài hòa tạo việc làm, không gian sống và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho người dân. Mặt khác, nó khai thác điểm mạnh của thành phố để tạo sự tương hỗ cho sự phát triển của các tỉnh lân cận" - ThS Thạch Phước Hùng nhấn mạnh.
Cụ thể, mô hình này phát triển được khu đô thị nhà ở dành cho người thu nhập trung bình và thấp, góp phần giải quyết thách thức của thành phố trong việc phát triển nhà ở xã hội hiện tại. Khu đô thị khi được phân bố gần các khu công nghiệp của thành phố và tỉnh lân cận sẽ giải quyết được vấn đề việc làm cho người dân trong khi vẫn bảo đảm họ được tận hưởng hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục chất lượng cao của thành phố. Do đó, người dân có thu nhập trung bình và thấp có thể sẽ lựa chọn việc di dời khỏi các khu đô thị chật hẹp để định cư ở các khu dân cư mới.
Ngoài ra, phát triển được mảng xanh gắn với các khu vực cảnh quan, công viên chuyên đề và khu vui chơi - giải trí góp phần đáp ứng nhu cầu tận hưởng không gian xanh và vui chơi - giải trí cuối tuần của người dân thành phố.
Bên cạnh đó, phát triển được các trường đại học, bệnh viện quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu y tế và giáo dục của vùng Nam Bộ ngày một gia tăng. Các trường đại học ở khu vực này có thể tận hưởng quỹ đất lớn và chi phí thấp để phát triển cơ sở nghiên cứu, đào tạo quy mô lớn, góp phần tăng hiệu quả giáo dục - đào tạo…
Nhiều nơi thành công
Theo KTS-TS Nguyễn Anh Tuấn, việc nghiên cứu và phát triển mô hình Business Park là lựa chọn đúng đắn bởi các lợi ích của mô hình này đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển.
"Mô hình này trước hết nâng cấp cảnh quan công nghiệp thành phố từ nhà xưởng thấp tầng lên các tòa nhà cao tầng, hiện đại, mật độ cao nhưng ẩn mình trong môi trường cây xanh như công viên với chất lượng môi trường hoàn hảo. Nó cũng sẽ giúp nâng cao năng suất sử dụng đất ở vùng dự án" - TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh. Ông kể một số điển hình gắn kết giữa hoạt động công nghiệp, dịch vụ trong cùng không gian đô thị một cách hài hòa, vừa cùng phát triển trong mối quan hệ cộng sinh vừa tạo hiệu ứng bùng nổ về tăng trưởng. Cụ thể như Thung lũng Silicon (Mỹ), Thâm Quyến (Trung Quốc), Station F-Paris (Pháp)…
Bình luận (0)