Trực thăng bay này khi đó đang tham gia chiến dịch thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm vào Triều Tiên. Đích thân Thủ tướng Úc Anthony Albanese chỉ trích Trung Quốc, coi hành động của Bắc Kinh là "không thể chấp nhận được".
Vụ việc được thế giới chú ý vì ba lý do.
Thứ nhất, nó xảy ra ở vùng biển quốc tế và trong khuôn khổ chiến dịch do LHQ chủ trì mà ngoài Úc còn có một số nước thành viên khác của LHQ tham gia.
Bản thân Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã đồng tình và biết rõ ngọn nguồn. Do đó, có thể thấy hành vi trên của Trung Quốc không nhằm gây khó cho chiến dịch mà hoàn toàn nhằm trực tiếp vào Úc.
Thứ hai, Úc và Trung Quốc vừa mới có được một số bước chuyển theo hướng hòa giải bất đồng lâu nay, tạo được cảm nhận và kỳ vọng về đưa quan hệ song phương bước vào thời kỳ mới. Tuy nhiên, vụ việc nói trên lại cho thấy bất hòa và xung khắc vẫn chi phối ở mức độ rất quyết định chiều hướng của mối quan hệ này.
Thứ ba, vụ việc làm liên tưởng đến hàng loạt vụ việc tương tự từng xảy ra giữa Trung Quốc và Úc ở khu vực Đông Bắc Á, biển Đông và cả ở Nam Thái Bình Dương. Nói cách khác, về bản chất thì vụ việc không có gì lạ.
Cái mới ở đây chính là vụ việc đã bao hàm phản ứng của phía Trung Quốc về những gì mà Úc đã làm ở khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian qua trên phương diện chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng, đặc biệt là liên quan đến các vùng và đối tác mà Trung Quốc cho rằng có lợi ích chiến lược cốt lõi và lâu dài, gồm vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và biển Đông, quan hệ với Mỹ, Philippines và các đảo quốc ở vùng Nam Thái Bình Dương vốn rất gần Úc và cách rất xa Trung Quốc.
Trung Quốc vốn đã không thích thú gì việc Úc cùng Mỹ và Anh hình thành liên minh an ninh ba bên (gọi tắt là AUKUS) hồi năm 2021. Một trong nhiều mục tiêu trọng tâm của AUKUS là có được tàu ngầm hạt nhân và công nghệ, kỹ thuật chế tạo tàu ngầm hạt nhân.
Sau AUKUS, Úc tăng cường liên thủ và liên kết với một số đối tác khác ở trong cũng như ngoài Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên các lĩnh vực tương tự, đặc biệt với Nhật Bản và Philippines cũng như tranh thủ các đảo quốc ở khu vực láng giềng gây cản trở trực tiếp tới những tính toán chiến lược của Trung Quốc.
Thời gian qua, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines trên biển Đông trở nên quyết liệt nên Trung Quốc càng không vui khi Úc tập trận hải quân chung với Mỹ, Nhật Bản và Philippines ở chính vùng biển có tranh chấp nói trên. Có thể nhận thấy Trung Quốc đang mạnh mẽ răn đe Úc và tiến trình hòa giải giữa hai bên không dễ, thậm chí chưa thể sớm thành công.
Bình luận (0)