Trước đó, Thủ tướng Úc Anthony Albanese vào tháng 9-2023 đã công bố báo cáo "Đầu tư: Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Úc đến năm 2040" tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan ở thủ đô Jakarta - Indonesia.
Theo tờ The Straits Times ngày 25-2, động thái này báo hiệu Thủ tướng Albanese muốn tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực.
Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Úc - ASEAN sắp tới dự kiến diễn ra tại TP Melbourne, mang đến cơ hội đặt nền móng cho điều mà ông Albanese gọi là "tương lai kinh tế" của Úc ở Đông Nam Á. Hội nghị này cũng đánh dấu nửa thế kỷ kể từ khi Canberra trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN.
Theo báo cáo nói trên, ASEAN đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của các đối tác kinh tế truyền thống của Úc và sẽ tiếp tục đà tăng trưởng này. Tuy nhiên, tỉ trọng thương mại của Úc trong khu vực lại giậm chân tại chỗ trong 2 thập kỷ. Tính đến năm 2022, chưa đến 3% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Úc rót vào ASEAN và con số này đã giảm một nửa so với 5 năm trước đó.
Việc tăng cường xoay trục sang ASEAN càng cần thiết sau khi quan hệ giữa Úc và Trung Quốc căng thẳng kể từ đại dịch COVID-19. Ngoài yếu tố tăng trưởng, Úc còn muốn giảm rủi ro liên quan đến Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của mình.
Trong khi tỉ trọng của dòng vốn FDI toàn cầu vào ASEAN đã tăng hơn gấp đôi trong một thập kỷ, lên 17,3% vào năm 2022, phần đóng góp của Úc trong dòng vốn này lại sụt giảm. Điều này xảy ra bất chấp hai bên có mối quan hệ chính trị, giáo dục và văn hóa từ Thế chiến II.
Một báo cáo hồi năm 2017 của Canberra cũng đề cập cơ hội từ mối quan hệ với ASEAN nhưng không thu hút nhiều chú ý. Vì thế, ông Simon Brimingham, lãnh đạo đối lập tại Thượng viện Úc, cho rằng Canberra giờ đây cần tăng cường theo đuổi các mối quan hệ với ASEAN nhằm trở lại khu vực này.
Bình luận (0)