Gần đây, mạng xã hội liên tục xôn xao hình ảnh, clip ghi lại hình ảnh ẩu đả sau những va chạm, tranh chấp giao thông. Nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng khởi tố về tội "Gây rối trật tự công cộng" hoặc tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản".
Nhiều vụ việc đáng tiếc
Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vừa tạm giữ Phạm Thanh Tùng (33 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) để điều tra hành vi "Gây rối trật tự công cộng".
1 giờ sáng 8-11, Tùng lái ô tô mang biển số Hà Nội chạy ở khu vực chợ đêm Tân Biên (phường Tân Biên, TP Biên Hòa). Tại đây, Tùng xảy ra mâu thuẫn trong việc đậu xe với ông L. (nhân viên trông giữ xe). Hai bên lời qua tiếng lại nên nhiều người dân đến xem.
Do có hơi men trong người nên Tùng lấy ô tô tông vào người dân ở quanh khu vực. Một thanh niên ở gần đó bám vào cửa xe của Tùng để ngăn chặn nhưng đã bị anh ta hất văng, may mắn không bị thương. Chưa dừng lại, Tùng đã tông một xe ba gác của người dân rồi rời khỏi hiện trường. Công an vào cuộc truy xét bắt giữ Tùng. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong máu của Tùng là 129.6 mg/dl.
Ở TP HCM, trước đó vào ngày 17-9, Công an TP Thủ Đức đã ra quyết định khởi tố, tạm giam Ngô Đức Giang (43 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) vì Giang dùng tay, mỏ lết đánh nhiều lần vào người tài xế do mâu thuẫn nhỏ khi tham gia giao thông.
Công an quận 1 (TP HCM) cũng vừa khởi tố, tạm giam đối với Nguyễn Văn Tứ để điều tra về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản". Trước đó, do mâu thuẫn khi tham gia giao thông, Tứ đã dùng đá đập vào cửa kính chắn gió xe khác gây hư hỏng.
Tránh "cái đầu nóng"
Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) - Công an TP HCM cho biết khi đối mặt với các tình huống tham gia giao thông nhiều tài xế lại sử dụng "cái đầu nóng" và "trái tim lạnh" nhiều hơn, một số người đã không ngần ngại sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Va chạm, tranh chấp trong giao thông là điều không ai mong muốn nhưng quan trọng là cách cư xử và xử lý, giải quyết tình huống của những người điều khiển phương tiện.
"Đây là thuộc về văn hóa giao thông, là ý thức và thái độ của mỗi cá nhân trong xã hội. Việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề trên là hành vi phản cảm, gây ra hệ lụy mất an toàn xã hội, cần phải lên án" - đại diện PC08 nói.
Để ngăn ngừa tình trạng sử dụng bạo lực trong ứng xử sau các tình huống va chạm giao thông, đại diện PC08 cho rằng trước hết việc không ngừng nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân là điều hết sức cần thiết. Khi xảy ra các tình huống va chạm, tranh chấp hoặc tai nạn giao thông cần có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự…
PGS-TS Trương Văn Vỹ, chuyên gia xã hội học tội phạm, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, nhìn nhận chuyện hơn thua trong tham gia giao thông là điều tuyệt đối cần tránh.
Thực tế nhiều tài xế luôn mang theo "hàng nóng" trên người, khi có chuyện thì đem ra dùng, dẫn đến vi phạm pháp luật. PGS-TS Trương Văn Vỹ cho rằng khi xảy ra tranh chấp giao thông không thể giải quyết, các tài xế cần báo lực lượng chức năng và tuân theo sự hướng dẫn, chấp hành mọi quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. "Dĩ hòa vi quý" mới có thể hình thành môi trường giao thông lành mạnh.
Bình luận (0)