Tôi ở TP HCM, ra Hà Nội sinh sống, làm việc gần 10 năm nay. Cứ khoảng 1 tháng tôi lại bay về TP HCM để thăm gia đình. Việc bay lại dễ dàng đến mức vì thường bay ngược chiều đông khách nên tôi ít khi phải chuẩn bị quá nhiều thứ mỗi khi về nhà.
Lần cuối về TP HCM là ngay đầu đợt dịch thứ 4, mọi việc đã hết sức căng thẳng. Tôi bắt chuyến bay sớm về Hà Nội sau khi đọc tin thấy TP HCM có hơn 100 ca nhiễm. Vội vàng đi, nhưng tôi nghĩ ngày trở lại cũng sẽ rất sớm, không ngờ thoắt cái đã gần 3 tháng.
Các chuyến bay cứ ít dần, rồi gần như không còn chuyến bay thường lệ giữa hai thành phố nữa. Mặc dù xem cả hai nơi đều là nhà nhưng lần đầu tiên tôi có cảm giác bị "mắc kẹt", hằng ngày đọc tin tức về TP HCM mà lòng lo âu cho gia đình, người thân của mình. Tôi ở nhà toàn thời gian, dọn dẹp ban công, trồng thêm cây để có thể ra ngồi hóng mát mỗi khi trời Hà Nội bớt đi chút cái nóng oi oi của cuối mùa hè.
Bức ảnh chụp vào những ngày cả Hà Nội và TP HCM đều giãn cách xã hội trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 - Ảnh: LƯƠNG THẾ HUY
Dòng chữ lướt qua màn hình điện thoại đang khóa "Dừng bán vé tất cả chuyến bay nội địa", tôi ngước lên nhìn bầu trời và thấy một vì sao nhấp nháy. Tôi nhớ đứng từ ban công nhà mình ở TP HCM, có thể nhìn rõ ràng một làn đường trên không, nơi các máy bay lần lượt xếp hàng vào để hạ cánh. Những ngày cao điểm, cứ 5-10 phút lại nghe tiếng xé gió, âm thanh ù ù chạy vòng từ trước tới sau nhà.
Hẳn là giờ này, ban công rất im ắng, và sẽ còn im ắng hơn nữa trong những tháng ngày sắp tới. Lần đầu tiên chắc là sau rất rất lâu, bầu trời không còn những con người di chuyển ngược xuôi, chỉ có những chuyến bay chở hàng vội vàng, gấp gáp.
Tôi hay nghĩ về ngày tôi gặp lại bạn bè mình, sau đợt dịch này. Tôi không biết đó là khi nào, vì tôi đã dần dần chấp nhận rằng số ngày tồi tệ đã qua có lẽ vẫn còn ít hơn số ngày tồi tệ trước mắt, như một cách để hạ thấp kỳ vọng của bản thân. Như Josep Borrell đã nói, tôi không biết ngày đại dịch kết thúc là khi nào, ở đâu, tôi chỉ biết, thế giới ngày chúng ta gặp lại sẽ rất khác trước đây.
Ngày gặp lại, chúng ta ngỡ ngàng nhận ra những góc quen, quán ruột có thể đã vĩnh viễn biến mất. Chúng ta không dám nghĩ đến kịch bản nào đã xảy ra với những con người giữ hồn đô thị ấy.
Ngày gặp lại, chúng ta chưa kịp vui mừng bắt đầu câu chuyện thì đã chững lại khi thấy chiếc băng đen trên ngực áo người đối diện.
Ngày gặp lại, chúng ta bắt đầu tin vào một số thứ chưa từng tin, và ngừng nói về một số thứ trước đây chưa hề mảy may dao động...
Có một khái niệm trong ngành tâm lý là "cơ bắp giao tiếp xã hội" và cũng giống như các loại cơ bắp vật lý khác, khi không được vận động thường xuyên, nó sẽ bị nhão. Thực tế là cơ bắp giao tiếp của chúng ta đều đang chảy xệ, không còn săn chắc như trước, và sẽ mất một thời gian để chúng ta thực sự làm quen và bắt đầu lại.
Một chị bạn của tôi nói rằng mấy tháng nay, chị mặc hai bộ đồ ngủ. Một người bạn khác bắt đầu khó khăn khi nhắc về một số tên đường phố. Xe của tôi 2 tháng chưa đổ xăng. Trong các cuộc họp online, những câu nói dần trở nên quen thuộc: "Mọi người có thấy tôi không?".
Những ngày này, một số thứ trong nhà bắt đầu khiến chúng ta nóng nảy: mùi hành trên tóc, cái tròng kính không còn đúng độ, cái bóng đèn hỏng, củ khoai tây mọc mầm. Nhưng một số thứ cũng khiến chúng ta nhẹ lòng hơn: một bông hoa, hương vị thân quen của món ăn vừa nấu, ngày đi chợ đã đến, cọng hành đang lớn trong chai nước.
Tôi vẫn không tin ai đó nói rằng "chế độ sinh tồn" chỉ cần gạo, muối. Bất kỳ lúc nào, chúng ta vẫn cần được nghe, được nhìn thấy, được chạm vào những cảm giác an ủi, thậm chí là được nói về những nỗi đau của mình... và được hàn gắn.
Chúng ta sẽ chuẩn bị gì để nói với nhau vào ngày gặp lại? Tôi không biết. Nhưng ngày tôi có thể bay lại về TP HCM, tôi sẽ mang theo rất nhiều điều để trở lại.
Bình luận (0)