Tổng mọi khoản bị nợ qua 2 mùa giải vừa qua là 16,6 tỉ đồng. Đáng nói, Thanh Hóa vừa có lần thứ 2 liên tiếp vô địch Cúp Quốc gia, nhận phần thưởng lên đến 2 tỉ đồng.
Hiện tượng này không xa lạ ở V-League lẫn Giải Hạng nhất quốc gia. Thiếu kinh phí hoạt động, không thể kêu gọi được tài trợ là nguyên nhân chính khiến nhiều đội bóng chuyên nghiệp phải tan rã hoặc rớt xuống hạng nhì, hạng ba quốc gia. Đáng chú ý, lý do này luôn rình rập xuất hiện trước, trong và sau mỗi mùa giải, chực chờ để phá hỏng giải đấu bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Giải thích về việc chậm trả lương, thưởng cho cầu thủ, ông Cao Hoàng Đức, Giám đốc điều hành và Trưởng đoàn CLB Thanh Hóa, cho biết vì gặp khó khăn về tài chính nên đội chậm trả lương, thưởng và số tiền nợ không nhiều như nội dung được viết trong đơn khiếu nại của cầu thủ. Sau khi giải quyết xong vấn đề tài chính, chúng tôi sẽ trả đầy đủ mọi chế độ cho các cầu thủ. Ông Cao Hoàng Đức cũng thổ lộ trong 4 năm qua, mỗi năm phải tiêu tốn hơn 120 tỉ đồng để duy trì đội 1 và các tuyến đào tạo trẻ nên ban lãnh đạo đội bóng rất cần sự chung tay hỗ trợ, chia sẻ của các cấp chính quyền, mong tỉnh ủy có giải pháp kịp thời giúp duy trì và phát triển đội bóng vững mạnh.
Thiếu kinh phí hoạt động là nguyên nhân khiến đội bóng xứ Thanh không hoàn thành mục tiêu lọt vào tốp 3 chung cuộc dù nhiều thời điểm dẫn đầu cuộc đua vô địch V-League 2023-2024. Không chỉ khó khăn về tài chính, sân tập cũng đang là vấn đề nan giải với CLB Thanh Hóa và điều này khiến đoàn quân của HLV Popov không thể tham dự Cúp C2 châu Á mùa 2024-2025.
Không thể kiếm tiền khi đầu tư vào bóng đá, V-League còn bất cập ở việc số tiền "treo thưởng" của mỗi trận đấu còn cao hơn tổng số tiền thưởng dành cho nhà vô địch giải đấu. Kinh phí hoạt động eo hẹp nhưng nhiều đội bóng tại V-League lẫn Giải Hạng nhất quốc gia vẫn mạnh dạn "treo thưởng" khủng để tạo động lực thi đấu cho cầu thủ.
Thậm chí, ở chặng đua nước rút mang tính định đoạt vị thứ chung cuộc của giải đấu, nhiều đội bóng "treo thưởng" từ 200 triệu đến 500 triệu đồng cho một trận hòa và từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng cho một chiến thắng. Dùng "doping tiền" để tăng hưng phấn cho cầu thủ song rất ít CLB thực hiện đúng lời hứa sau khi giải đấu khép lại.
Thực tế cho thấy cần ít nhất 50 tỉ đồng/năm mới duy trì được một CLB ở V-League. Tránh tình trạng nhiều đội bóng phải sống theo kiểu "ăn xổi ở thì", có nguy cơ tan rã vì thiếu kinh phí hoạt động, nhiều chuyên gia cho rằng VFF và VPF cần có phương án hỗ trợ cụ thể. Giảm số tiền ký quỹ tham dự giải và tăng khoản hỗ trợ vào cuối mùa là một trong những cách thiết thực giúp CLB V-League có thêm kinh phí hoạt động.
Bình luận (0)