Trên đường 8 Tháng 3, phường 5, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Buôi (còn gọi là Tư Buôi) nổi bật nhất vì từ cổng đến ngôi nhà đều bằng gốm đỏ.
Ngôi nhà này được xây dựng theo kiến trúc 3 gian, 2 chái truyền thống Nam Bộ.
CLIP: Ngôi nhà gốm đỏ của ông Tư Buôi rất nổi bật
Phía cổng bên ngoài và tường rào được trang trí bằng bích họa gốm đỏ. Ở 3 gian nhà có những hàng cột gốm phía ngoài mái hiên được chạm trổ hoa văn nổi theo chủ đề "Đất phương Nam", như: nông nghiệp lúa nước; lễ hội; cả nhà quây quần ăn Tết…
Ở 3 gian nhà có những hàng cột gốm phía ngoài mái hiên được chạm trổ hoa văn nổi
Ông Buôi tâm sự: "Gốm đỏ thì chỗ nào cũng có, nhưng đặc biệt ở vùng đất Vĩnh Long là đất nung ra có nhiều màu sắc như: hồng phần, đỏ son, đen, trắng… Khoảng những năm 1980 là thời huy hoàng, với màu đỏ đặc trưng tạo nét riêng cho gốm Vĩnh Long mà không nơi nào có được, đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Những năm 2010 trở lại đây, ngành gốm gạch mai một dần".
Đứng trước nguy cơ này, là người làm về gốm, ông Buôi quyết định xây dựng ngôi nhà gốm đỏ có thể tồn tại hàng trăm năm để con cháu mai sau còn biết về một "Vương quốc gốm đỏ" từng hưng thịnh.
Từ năm 2005, ông Buôi đã chuẩn bị sẵn vật liệu để xây nhà nhưng sau đó gặp khó khăn rồi đình lại. Đến năm 2018, ông khởi động lại "dự án", vì có sẵn nguyên vật liệu (ông Buôi có cơ sở làm gốm) nên căn nhà hoàn thành chỉ trong vài tháng. Người đàn ông này đã tự tay lên bản vẽ ngôi nhà, tính toán các yếu tố kỹ thuật, phác thảo từng chi tiết mỹ thuật để làm sao cho mọi thứ hòa hợp với nhau.
Bên trong ngôi nhà, ông Tư Buôi trang trí rất nhiều đổ cổ
Ngôi nhà có diện tích khoảng 120 m2, tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng (chưa tính đồ vật trang trí). Bên trong nhà, gia chủ trang trí nhiều đồ cổ tái hiện nét văn hóa Nam Bộ xưa. Trong đó có bộ dụng cụ sinh hoạt đồng thau cổ, những chiếc bàn ủi xưa của Pháp, lò xo của Đức, bộ cân đòn, điện thoại quay bằng số.
Ông Buôi cho hay, ông sưu tầm đồ cổ để thoả mãn đam mê thời trẻ
Đặc biệt là bộ sưu tập đèn cổ từ đèn dầu, đèn khí đá cho đến đèn măng xông với muôn loại kiểu dáng. Ngoài ra, còn có nhiều bộ chén, tô bằng đá, bình, giường ngủ… thời xưa. Các vật dụng được ông Buôi sắp xếp hợp lý, tinh tế nên vừa tạo nét xưa nhưng vừa sang trọng.
"Ngày còn nhỏ, tôi hay cùng bà nội đi sang các nhà địa chủ, nhìn cách họ trưng bày đồ vật nên tôi rất ấn tượng. Sau này, khi xây dựng ngôi nhà, tôi đã sưu tầm nhiều đồ xưa và trưng bày để thỏa mãn thú vui thời trẻ" – ông Buôi bày tỏ.
Vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố quyết định về việc xác lập kỷ lục Việt Nam đối với "Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam" cho ông Buôi.
Ngôi nhà không chỉ là nơi sinh hoạt của gia đình ông Buôi mà còn là một địa chỉ tham quan du lịch của tỉnh Vĩnh Long.
Cách ngôi nhà không xa, ông Buôi còn xây dựng "ngôi làng gốm" với khoảng 2 ha để làm du lịch. Nơi đây có cơ sở sản xuất làng nghề gạch, gốm, khu ăn uống, nghỉ ngơi… phục vụ du khách.
Bình luận (0)