Ngày 8-10, ông Đàm Hải Vân, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết sau nhiều năm rời đi vì môi trường biển suy thoái, rùa biển đã trở lại vùng biển Hòn Mun thuộc Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang.
Theo đó, trong lúc lặn kiểm tra hệ sinh thái khu bảo tồn biển, chuyên viên Phòng Bảo tồn thuộc Ban Quản lý Vịnh Nha Trang phát hiện một cá thể rùa biển tại vùng biển Hòn Mun ngày 4-10. Nhân viên này đã theo sát chú rùa và quay lại video để làm tư liệu.
Ông Đàm Hải Vân đánh giá hiện môi trường biển ở vịnh đang tốt lên, nguồn thức ăn dồi dào cùng với sự yên tĩnh đã thu hút các loài rùa biển tìm về đẻ trứng. Đây là một tín hiệu đáng mừng.
Clip rùa biển xuất hiện ở vịnh Nha Trang
Theo Ban quản lý Vịnh Nha Trang, trong các năm trước đây, trong Vịnh Nha Trang đều có ghi nhận về sự xuất hiện của rùa biển và dấu vết của rùa trên bãi cát tại Bãi Bàng lớn thuộc khu vực Đầm Tre - Hòn Tre. Năm 2009, ngành chức năng phát hiện một rùa mẹ lên bờ đẻ 3 ổ trứng tại Đầm Tre, và bảo vệ đến khi rùa con trở về với biển, và tiếp tục phát hiện một ổ trứng rùa biển tại đây vào giữa năm 2016.
Do đó, Ban quản lý Vịnh Nha Trang đề xuất thực hiện khoanh vùng bảo vệ rùa biển và hệ sinh thái thảm cỏ biển tại khu vực Bãi Bàng lớn - nơi sinh sản cuối cùng của rùa biển trong Vịnh Nha Trang.
Điều này sẽ hiện thực hóa "Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019.
Vòng đời của rùa có thể lên đến cả trăm năm, song tỷ lệ sống sót của rùa con đến khi trưởng thành chỉ khoảng 0,001%. Một con rùa biển mất 30 - 50 năm để tới giai đoạn trưởng thành. Với tập tính tự nhiên, rùa biển thường quay trở về nơi mình sinh ra để đẻ trứng, mỗi năm đẻ từ 3 - 5 lần, mỗi lần đẻ khoảng từ 100 - 180 trứng.
Vịnh Nha Trang có chu vi 21,50 hải lý (khoảng 39,82 km), với 19 đảo lớn nhỏ nổi bật lên trên nền biển trong xanh. Trong đó, đảo lớn nhất là Hòn Tre với diện tích 3.323,15 ha.
Bình luận (0)