Một thực tế đáng buồn là dù tuyển sinh đã nhiều năm, chương trình tiên tiến vẫn chưa thật sự hấp dẫn đối với sinh viên (SV). Không chỉ lo lắng vềhọc phí, nhiều SV còn e ngại chương trình học nặng, yêu cầu tiếng Anh khắt khe khó theo kịp.
Thay đổi điều kiện dự tuyển
Ông Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thừa nhận yêu cầu cao về trình độ tiếng Anh thực sự là một thách thức đối với người học. Trong những năm đầu tiên, để học chương trình tiên tiến, SV trúng tuyển vào trường thường phải có điểm thi cao hơn 2 điểm so với điểm chuẩn vào trường.
Tuy nhiên, nhiều SV vẫn không đáp ứng được yêu cầu tiếng Anh để học các môn chuyên môn. Do đó để tuyển được SV, nhà trường phải thay đổi điều kiện dự tuyển, SV chỉ cần có điểm thi bằng điểm chuẩn.
Đại diện một số trường kỹ thuật cho biết việc tuyển sinh học chương trình tiên tiến các ngành thuộc khối kỹ thuật khá khó khăn. Số lượng SV thường khoảng 30-45 SV/khóa, thậm chí chỉ khoảng 20-30 SV/khóa như ngành vật lý của Trường ĐH Khoa học thuộc ĐH Huế, ngành khoa học vật liệu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội,ngành hệ thống năng lượng của Trường ĐH Bách khoa TPHCM.
Những ngành này được dự báo sẽ còn khó thu hút SV hơn khi Nhà nước không còn tài trợ. Đến lúc đó, theo ông Trương Chí Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM, mức học phí cao khiến cho việc thu hút SV giỏi càng khó khăn.
Kinh phí eo hẹp
Kinh phí cho chương trình tiên tiến cũng thật sự là một thách thức đối với các trường. Ông Lưu Kim Bôi, Chủ nhiệm Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng kinh phí cho chương trình còn quá eo hẹp.
Đối với các ngành học liên quan đến thực nghiệm như hóa học, sinh học, vật lý… thì các trường mới chỉ cải thiện được vấn đề lý thuyết; còn thí nghiệm, thực hành thì vẫn rất lạc hậu so với trường đối tác. Trong khi đó, theo kế hoạch, Nhà nước chỉ tài trợ cho chương trình của các trường trong giai đoạn 1 với 4 khóa học. Như vậy, từ khóa thứ 5 trở đi, SV sẽ phải nộp học phí theo mức cao để bảo đảm chi phí của chương trình.
Kinh phí eo hẹp nhưng để giữ được chất lượng chương trình, các trường phải mời giảng viên nước ngoài sang dạy với chi phí lớn khiến cho dù có tăng học phí thì vẫn rất khó để cân đối tài chính. Một số trường như ĐH Ngoại thương đã tăng học phí theo từng năm để cân đối nguồn tài chính. Năm đầu tiên, học phí của trường này chỉ khoảng 4.600 USD, đến khóa thứ 4 lên 6.400 USD. Ngoài ra, các trường cũng huy động nguồn vốn từ các dự án khác hoặc nguồn tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm trang bị cơ sở vật chất cho chương trình.
Nên đào tạo theo nhu cầu xã hội Để duy trì chương trình tiên tiến,ông Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp của Bộ Tài chính, đặt vấn đề rằng các trường nên chuyển từ đào tạo mang tính bao cấp sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. Nếu Nhà nước đầu tư thì người học sau khi tốt nghiệp phải phục vụ theo yêu cầu Nhà nước, nếu doanh nghiệp đặt hàng thì doanh nghiệp phải chi trả phí đào tạo, nếu đào tạo theo nhu cầu của gia đình thì gia đình phải trả. Để bảo đảm cơ hội cho các SV nghèo học giỏi, Nhà nước nên cấp học bổng, đào tạo gắn với sử dụng... Trong khi đó, các trường lại mong muốn được Bộ GD-ĐT hỗ trợ kinh phí cho SV của chương trình được học lên trình độ thạc sĩ, đây cũng là cách để thu hút SV. |
Bình luận (0)