Hiện ĐH Quốc gia TPHCM có 3 ngành đào tạo theo chương trình tiên tiến. Đó là ngành công nghệ thông tin (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, tuyển sinh năm 2006), ngành điện – điện tử (chuyên ngành hệ thống năng lượng) của Trường ĐH Bách khoa (tuyển sinh năm 2006) và ngành hệ thống thông tin (Trường ĐH Công nghệ Thông tin tuyển sinh năm 2008). Đến năm 2010, quy mô đào tạo cho cả 3 ngành là 454 sinh viên, mới chỉ chiếm 1% tổng số sinh viên của ĐH Quốc gia TPHCM.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH này đã nhận được 60 tỉ đồng từ ngân sách cho chương trình đào tạo trên. Tính ra, mức Nhà nước đầu tư cho mỗi sinh viên khoảng 130 triệu đồng/năm, cùng với mức học phí sinh viên phải đóng khoảng 30 triệu đồng/năm thì kinh phí đào tạo cho sinh viên theo học chương trình này là 160 triệu đồng/sinh viên/năm, gấp 8 lần so với sinh viên học hệ bình thường.
Dù được đầu tư lớn và học tập trong điều kiện lý tưởng (như chương trình đào tạo tiếp cận trình độ của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, phòng thí nghiệm hiện đại, thư viện và nguồn học liệu phong phú, thường xuyên được cập nhật…). Song thực tế là số lượng sinh viên theo học chương trình này đang giảm. Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, năm 2006 tuyển được 55 sinh viên, năm 2007 tuyển được 49 sinh viên, năm 2008 tuyển được 33 sinh viên, năm 2009 tuyển được 34 sinh viên và năm 2010 chỉ tuyển được 25 sinh viên.
Không thể “chết”
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện 60% chi phí đầu tư cho chương trình tiên tiến là ngân sách Nhà nước, 25% thu từ học phí và 15% là nguồn nhà trường tự cân đối. Tuy nhiên, theo đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường ĐH Việt Nam giai đoạn 2008-2015” do Chính phủ phê duyệt thì nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ cho chương trình này chỉ kéo dài từ khóa 1 đến khóa 3.
Trước câu hỏi của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Nếu nhà nước rút khoản hỗ trợ này thì chương trình tiên tiến sống thế nào?”, đại diện nhà trường và các bộ, ngành đã có những câu trả lời khác nhau. Theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nguồn ngân sách Nhà nước sẽ giảm dần chứ không thể cắt ngang ngay được.
PGS-TS Dương Ái Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, khẳng định: Chương trình tiên tiến không thể “chết” nếu Nhà nước rút hỗ trợ, bởi trường đã có cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo… nên sẽ cố gắng đứng vững. Theo PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, những sinh viên theo học chương trình tiên tiến là các nhân tài nên không thể dừng lại ở mức ĐH mà nên có hướng xây dựng các chương trình sau ĐH để tiếp tục học cao hơn.
Khó vay tiền học
Nhiều sinh viên cho biết họ chọn chương trình tiên tiến bởi hy vọng có nhiều cơ hội du học, được học chương trình tốt và giáo viên nước ngoài… Tuy nhiên, hiện số giáo viên nước ngoài trao đổi chương trình còn ít, việc nghiên cứu khoa học chưa được hỗ trợ nhiều, đặc biệt sinh viên rất khó vay tiền ngân hàng để học trong khi học phí của chương trình khá cao. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị xem xét vấn đề này và kiến nghị ngân hàng chính sách có chính sách riêng cho sinh viên theo học chương trình tiên tiến được vay vốn. |
Bình luận (0)