Sáng 13-12, tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026), hàng chục ý kiến của các đại biểu được nêu ra nhằm tập trung thảo luận, nêu ý kiến về những kết quả đạt được trong năm 2024, đồng thời tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; từ đó có các kiến nghị, đề xuất giải pháp.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, cho biết bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại tỉnh; một số dự án trọng điểm chậm tiến độ; kết cấu hạ - tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo đại biểu Trịnh Thị Hoa, trong các báo cáo, nhất là tờ trình đề nghị phê chuẩn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh Thanh Hóa, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 có ưu tiên về phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Tuy nhiên, mới chỉ tập trung chính vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: Đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, xử lý nước thải… chưa tập trung đầu tư hạ tầng trong các khu công nghiệp như: Nhà ở xã hội, nơi lưu trú cho người lao động mua hoặc cho thuê, trường học, phòng khám…
"Chúng tôi đi các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… thấy họ làm rất tốt hạ tầng xã hội, vậy nên đề nghị HĐND, UBND tỉnh và các địa phương cần quan tâm, quy hoạch hạ tầng xã hội trong khu công nghiệp, khu phụ cận để chăm lo cho công nhân, đặc biệt là thu hút nguồn lao động" - đại biểu Hoa nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Hoa, trên địa bàn Thanh Hóa hiện có 10 dự án nhà ở xã hội cấp phép, khởi công xây dựng, với khoảng hơn 8.700 căn hộ, trong đó đã đưa vào sử dụng gần 2.200 căn hộ. Năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 406 khách hàng, với tổng số tiền hơn 75 tỉ đồng.
Tuy nhiên, qua khảo sát, qua nắm bắt công nhân, viên chức lao động, đặc biệt là những viên chức có thu nhập thấp như giáo viên mầm non, chưa tiếp cận được chính sách nhà ở xã hội của tỉnh.
"Tại kỳ họp Quốc hội, có đại biểu cũng đã nói về việc có những công chức mà đi làm cả đời, tiết kiệm vẫn không mua được nhà. Qua khảo sát chúng tôi thấy đúng là như vậy, ví dụ như giáo viên mầm non thu nhập rất thấp, công nhân lao động, tháng lương 6-7 triệu đồng. Nếu phải nuôi cả con ăn học, lo điều kiện sinh hoạt thì rất khó mua được nhà. Vì vậy chúng tôi rất mong có các nguồn chính sách từ ngân hàng, địa phương để người lao động có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để mua nhà ở xã hội"- đại biểu Hoa nêu thực tế.
Trước thực trạng trên, đại biểu Trịnh Thị Hoa đề nghị một số giải pháp như: Các đoàn thể, ngành chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và người dân biết về các dự án nhà ở xã hội; HĐND tỉnh cân đối nguồn địa phương, bao gồm đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho các đối tượng được mua nhà xã hội, thuê nhà ở xã hội, đảm bảo nhu cầu về nhà ở cho người lao động.
Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Thị Hóa cũng đề nghị cần tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc khảo sát đối tượng được mua nhà ở xã hội, xem những người mua nhà có đúng đối tượng ưu đãi chưa; xác định giá nhà đã phù hợp với thu nhập của người lao động chưa. Từ đó có chính sách tốt hơn, sát hơn để hỗ trợ người lao động mua nhà.
Bình luận (0)