icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CƠ DUYÊN ĐỜI NGƯỜI

PHAN HỒNG CHIẾN (Tổng Biên tập, 1989 - 2000)

Là Tổng Biên tập Báo Người Lao Động ở thời kỳ khởi nghiệp (1989 - 2000), ngẫm nghĩ lại, tôi cảm thấy đây là một cơ duyên của đời mình

Cuối năm 1989, Báo Công Nhân Giải Phóng (CNGP) có khó khăn về nhân sự lãnh đạo. LĐLĐ TP HCM - cơ quan chủ quản của Báo CNGP - đề nghị Ban Tuyên huấn Thành ủy hỗ trợ. Tôi được Ban Tuyên huấn Thành ủy TP HCM phân công về làm Tổng Biên tập Báo CNGP. Thời điểm đó, tôi đang làm Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên huấn Thành ủy TP HCM.

1. Tâm trạng tôi lúc chấp hành sự phân công là vừa mừng vừa lo. Mừng vì được Thành ủy TP HCM tín nhiệm, lo vì tôi biết rất rõ thực trạng của Báo CNGP lúc đó.

Báo CNGP từ năm 1975 đến 1990 hoạt động chủ yếu theo cơ chế bao cấp. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của báo còn thiếu thốn, thô sơ. Hoạt động tài chính của báo chủ yếu dựa vào LĐLĐ TP HCM. Trụ sở làm việc của báo còn ở nhờ nhà của một cơ sở tôn giáo. Đội ngũ phóng viên mới tập hợp từ các nơi khác về. Tổng Biên tập báo thì tuổi cao, sức khỏe yếu, kiêm nhiệm công việc của LĐLĐ TP HCM. Báo xuất bản mỗi tuần 1 kỳ, số lượng vài ngàn tờ, phát hành chủ yếu trong hệ thống tổ chức Công đoàn - mua báo bằng kinh phí Công đoàn.

Đồng chí Dương Đình Thảo, lúc đó là Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy TP HCM, đã giao nhiệm vụ cho tôi: Cùng với cơ quan chủ quản của Báo CNGP, sớm đưa báo lên ngang tầm với nhiệm vụ chính trị - xã hội của tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân - lao động thành phố.

CƠ DUYÊN ĐỜI NGƯỜI - Ảnh 1.

Tổng Biên tập Phan Hồng Chiến (bìa phải) làm việc tại tòa soạn những năm đầu thập niên 1990. Ảnh: TƯ LIỆU

Sau khi làm việc, nhất trí với cơ quan chủ quản Báo CNGP, tôi triển khai 3 nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược nhất. Một là, củng cố Ban Biên tập. Tôi nhận thức Ban Biên tập là bộ phận đầu não của tờ báo. Một tờ báo hay hoặc dở, được xây dựng và phát triển như thế nào là tùy thuộc vào trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của Ban Biên tập. Hai là, khẩn trương tăng cường xây dựng, bổ sung một bước cơ sở kỹ thuật nghề báo: nơi làm việc, phương tiện làm việc… Hoạt động tài chính theo hướng từng bước "lấy thu bù chi". Đây là một trong những vấn đề "sống còn" của một tờ báo chuyên nghiệp. Ba là, tổ chức lại đội ngũ phóng viên, biên tập viên, công tác tòa soạn… Tất cả phải đi vào hoạt động theo quy trình tác nghiệp mới của một cơ quan báo chí thực thụ.

Cốt lõi của khối công việc này phải xoay quanh đường lối tác nghiệp của báo. Đường lối tác nghiệp được xây dựng trên cơ sở mục đích tôn chỉ của báo, đối tượng bạn đọc chính của báo, quy luật vận hành của thông tin báo chí… Đây là vấn đề căn cơ, lâu dài, thể hiện xuyên suốt bản sắc riêng của một tờ báo. Ba nhiệm vụ này được thực hiện đồng thời vì liên quan mật thiết với nhau.

2. Trong vòng 10 năm (1990 - 2000), Báo Người Lao Động đã làm được những việc quan trọng.

Đầu tiên là đổi tên Báo CNGP thành Báo Người Lao Động. Việc này được làm trước và làm ngay để sớm xác định thêm và mở rộng đối tượng bạn đọc của tờ báo, chuẩn bị cho báo từng bước ra thị trường báo chí.

Tiếp đó, xây dựng và hình thành rõ đường lối tác nghiệp của Báo Người Lao Động. Xác định và làm thông suốt trong nội bộ phóng viên, biên tập viên, cán bộ - công nhân viên là: Xuất bản báo để bán cho người đọc, báo chỉ đăng những tin, bài bạn đọc cần. Luôn luôn ghi nhớ: Có bạn đọc là có tất cả. Do đó, báo phải vì bạn đọc, hướng về bạn đọc, thu hút bạn đọc.

CƠ DUYÊN ĐỜI NGƯỜI - Ảnh 2.

Nguyên Tổng Biên tập Phan Hồng Chiến (bìa phải) và nhà báo Vu Gia. Ảnh: VĨNH TÙNG

Bên cạnh đó, liên tục tổ chức các hoạt động sau mặt báo gắn với đối tượng của báo. Báo đã tổ chức thành công một số hoạt động như: Giải Mai Vàng dành cho giới văn nghệ sĩ; Ngày hội Việc làm cho giới lao động và chủ doanh nghiệp; Giải "Nguyễn Văn Trỗi - Vì công nhân, chuyên viên kỹ thuật giỏi ngày mai" dành cho giới công nhân kỹ thuật và các trường dạy nghề.

Báo xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động kinh tế - tài chính theo hướng "lấy thu bù chi", tiến tới hoạt động có lãi. Báo thành lập tổ làm kinh tế báo chí. Tiền lãi của báo hằng năm được tái đầu tư phục vụ việc mua sắm trang thiết bị nghề nghiệp, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho phóng viên, biên tập viên, cán bộ - công nhân viên của báo.

Báo Người Lao Động đã lên kế hoạch tìm kiếm và cuối cùng có được một nơi làm trụ sở lâu dài. Ngoài trụ sở chính ở TP HCM, báo còn mua và xây dựng 3 ngôi nhà làm cơ quan đại diện báo ở 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Qua 10 năm khởi nghiệp, Báo Người Lao Động đã trở thành tờ báo xuất bản hằng ngày. Số lượng báo in tăng 10 lần, doanh thu tăng 20 lần. Hoạt động tài chính có lãi, làm nghĩa vụ thuế với nhà nước, chăm sóc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phóng viên, biên tập viên, cán bộ - công nhân viên của báo.

3. Trong 50 năm, Báo CNGP - Báo Người Lao Động có 7 đời Tổng Biên tập. Tôi là Tổng Biên tập Báo Người Lao Động ở thời kỳ khởi nghiệp (1989 - 2000). Tôi đã có một số đóng góp nhất định cho công cuộc xây dựng và phát triển báo.

Về nghề báo, tôi được học một lớp huấn luyện ngắn hạn ở chiến khu Tây Ninh, thời kháng chiến chống Mỹ. Sau khi hòa bình, tôi được học một lớp tập huấn ở Liên Xô, năm 1988. Thời gian còn lại chỉ là học nghề qua thực hành với vai trò phóng viên, biên tập viên của Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam II…, thế mà nhờ đâu tôi đã làm được một số việc ở Báo Người Lao Động như đã nêu trên?

Ở tuổi U90, ngẫm nghĩ lại, tôi cảm thấy đây là một cơ duyên của đời mình. Tôi may mắn "khởi nghiệp" trong thời kỳ TP HCM cùng cả nước đang đổi mới mạnh mẽ sau thời gian dài ngột ngạt bởi cấm vận, bao cấp. Luồng gió mới mang lại biết bao điều bất ngờ, thú vị cho mọi người, trong đó có tôi và Báo Người Lao Động.

Tôi cũng may mắn có những lãnh đạo trực tiếp đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của báo, như các đồng chí Trần Trọng Tân, Dương Đình Thảo, Hoàng Thị Khánh. Các bậc đàn anh về nghề nghiệp như Phạm Phú Bằng, Thái Duy… luôn tận tình tham vấn, chỉ bảo. Đội ngũ cộng tác viên ngày càng được mở rộng và nhiệt tình ủng hộ, luôn cung cấp bài vở khi báo có nhu cầu, như nhà văn Xuân Cang, nhà văn Sơn Nam, GS Phong Lê, GS Hoàng Như Mai, GS Lê Trí Viễn, GS Lê Đình Kỵ, PGS-TS Trần Hữu Tá, PGS-TS Nguyễn Quang Điển…

Về chủ quan, phải chăng tôi thuộc dạng người "cái tâm lớn hơn cái tài" nên đã dùng cái tâm của mình tạo điều kiện cho cái tài của từng thành viên trong tập thể Báo Người Lao Động được phát huy tối đa? Như vậy, thành công trong giai đoạn "khởi nghiệp" là thành tích chung của tập thể chúng ta.

Xin gửi đến anh chị em đã từng làm việc ở Báo Người Lao Động trong 50 năm qua một số suy ngẫm của người đồng nghiệp.

Tháng 6-2025. 

Tôi cảm thấy hạnh phúc và tràn ngập lòng biết ơn mỗi khi nhớ lại những năm tháng từng bước vượt qua khó khăn với một tập thể Báo Người Lao Động gắn kết như một gia đình lớn; lãnh đạo Thành ủy TP HCM và cơ quan chủ quản luôn quan tâm, tạo điều kiện và đặc biệt là tác động tích cực của khối bạn đọc ở một thành phố năng động, nghĩa tình vào bậc nhất của cả nước.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo