"Chúng tôi tạo ra một công cụ hiệu quả và vừa túi tiền, giúp tăng khả năng tiếp cận nước sạch. Bộ lọc cầm tay này đem lại giải pháp bền vững cho vấn đề tồn tại đã lâu là các nguồn nước bị ô nhiễm chất rắn" - nhóm nhà khoa học giới thiệu trong bài viết đăng trên tạp chí Nature Sustainability tháng 1-2024.
Theo bài viết, bộ lọc của thiết bị này được tạo ra từ các sợi cellulose siêu nhỏ và hoạt động theo cơ chế đơn giản. Chỉ cần người dùng nhấn tay xuống, nước dơ được ép qua màng lọc bằng một xi-lanh nhựa, hình dung giống như tiêm thuốc bằng ống tiêm.
Đủ loại nước bẩn, từ nước bùn, nước sông, nước tuyết tan đến nước nhiễm vi nhựa đều có thể chuyển thành nước sạch nhờ hệ thống này, theo các nhà nghiên cứu. Do đó, nó phù hợp sử dụng đối với những người không được tiếp cận các nguồn nước an toàn, hoặc dùng làm bộ dụng cụ cho các hoạt động ngoài trời.
Báo South China Morning Post dẫn nguồn Ngân hàng Thế giới cho biết trên toàn cầu có 2,2 tỉ người không tiếp cận được nguồn nước uống đã qua xử lý an toàn trong năm 2022. Cũng trong năm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính ít nhất 1,7 tỉ người khắp hành tinh phải sử dụng các nguồn nước uống nhiễm chất thải của con người và động vật.
Chưa hết, một nghiên cứu về hạt vi nhựa do các chuyên gia tại hai trường đại học của Mỹ là Columbia và Rutgers tiến hành đã phát hiện trong 1 lít nước đóng chai bình quân chứa tới khoảng 240.000 mảnh nhựa. Các hạt vi nhựa nhỏ tới nỗi chui được qua ruột và phổi người. Chúng có thể xâm nhập trực tiếp vào dòng máu đi nuôi cơ thể và nhờ đó di chuyển khắp nội tạng như tim, não - theo nghiên cứu trên.
Trong nghiên cứu đăng trên tờ Nature Sustainability, các nhà khoa học thiết kế một tấm film sinh học tự hủy, được "dệt" dày đặc bằng sợi cellulose siêu nhỏ làm từ bột gỗ (tương tự thành phần hóa chất của giấy thông thường). Tấm film mỏng này có thể lọc hiệu quả những hạt siêu nhỏ - kích thước lớn hơn 10 nanomét. Để so sánh, một sợi tóc người dày chừng 80.000-100.000 nanomét trong khi virus Sars-CoV-2 có đường kính khoảng 80 nanomét.
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống này làm sạch nước nhanh hơn 7 lần so với các loại tấm siêu lọc thương mại hiện nay và duy trì gần 100% hiệu quả lọc các hạt bẩn sau 30 lần sử dụng. Đồng tác giả chính của nghiên cứu, GS Yu Guihua của Trường ĐH Texas (Mỹ), cho biết nước đã qua bộ lọc này có thể sử dụng cho nhiều nhu cầu khác nhau trong nhà. Các nhà nghiên cứu của nhóm ông Yu khẳng định nước sau khi lọc đạt các tiêu chuẩn vệ sinh liên quan, bao gồm tiêu chuẩn về nước uống của WHO.
Ông Yu tiết lộ nhóm ông dự định làm việc với chính phủ các nước và các tổ chức tại những quốc gia đang phát triển để phân phối miễn phí bộ lọc cho các hộ gia đình. Trong tương lai, họ còn định ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nghiên cứu và thiết kế các vật liệu lọc có phạm vi ứng dụng rộng hơn.
GS Chen Wenshuai, chuyên gia tại Trường ĐH Lâm nghiệp Đông Bắc ở TP Cáp Nhĩ Tân - Trung Quốc, đồng tác giả chính khác của nghiên cứu này, nhận định: "Bộ lọc hiện nay đạt hiệu quả cao trong việc loại bỏ các hạt siêu nhỏ. Với AI, chúng tôi hy vọng tăng quy mô sản xuất để hạ giá thành, từ đó tăng cơ hội sử dụng trong cộng đồng".
Bình luận (0)