Năm 2004, tổng thu ngân sách của Phú Quốc chỉ 38,59 tỉ đồng, không đủ chi, phải nhận trợ cấp ngân sách trung ương và tỉnh Kiên Giang. Đến năm 2023, thu ngân sách của hòn đảo này đạt 7.812,7 tỉ đồng. Năm năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh. Trong những năm qua, đảo ngọc là một đại công trường xây dựng, thu hút hơn 320 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư là hơn 412.000 tỉ đồng.
Sự phát triển kỳ diệu của đảo ngọc rút ra những bài học kinh nghiệm thành công. Đó là bài học về vai trò động lực của các cơ chế, chính sách đặc thù. Chính phủ đã có những cái cơ chế và cho phép mà vận dụng những ưu đãi tốt nhất ở Việt Nam được áp dụng cho Phú Quốc. Bài học thành công từ kết quả đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị tạo ra không gian phát triển mới.
Tất nhiên, còn có những bài học mà cần rút ra với những hệ lụy của sự phát triển nóng như những yếu kém trong quản lý đất đai, trật tự đô thị, môi trường, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển… Phú Quốc sở hữu 22 hòn đảo đường bờ biển dài 150 km với nhiều bãi tắm đẹp, nắng ấm quanh năm, song lượng khách đến với Phú Quốc chỉ bằng một nửa so với đảo Phukhet Thái Lan, thua xa Bali của Indonesia và Singapore.
Nhưng đảo ngọc đang thay áo mới với sự chuyển mình mạnh mẽ, tạo ra nhiều kỳ vọng cho chặng đường phát triển mới. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040. Đảo ngọc được xác định là trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách; trung tâm chính trị - văn hóa; có không gian sống chất lượng…
TP Phú Quốc được định vị trong bối cảnh mới và cơ hội mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi đô thị biển đảo của Đông Nam Á và trên thế giới. Cần tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế chính sách, giải pháp mới cho Phú Quốc, để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, môi trường để tạo ra một không gian phát triển mới, xanh sạch, đẹp của đảo ngọc.
Phú Quốc đang khoác trên mình "chiếc áo pháp lý mới" của một đô thị biển đảo. Điều này rất cần cơ chế, chính sách vận hành của bộ máy hành chính Phú Quốc cho tương xứng. Nguồn nhân lực của đảo ngọc đang đòi hỏi phải được nâng chất từ khu vực công lẫn khu vực tư để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Phú Quốc trong tương lai cần được định hình dài hạn, cần một không gian xanh, sạch, đẹp, kiểu mẫu gắn với cảnh quan biển, với chức năng đô thị được xây dựng trong mối quan hệ với ĐBSCL, cả nước và trong mối quan hệ gắn bó với các đô thị lớn của các nước ASEAN và trên thế giới. Tương lai của Phú Quốc ra sao phụ thuộc vào cách ứng xử khôn ngoan, có trách nhiệm của con người đối với nó trong hiện tại.
Bình luận (0)