Chuyên gia tâm lý BÙI QUANG MINH NHẬT, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic:
Chế tài xử phạt triệt để hơn
Bên cạnh những đề xuất của Sở NN-PTNT TP HCM, tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình khi nuôi thú cưng. Các phương tiện truyền thông từ cấp phường, quận là những bước tiếp cận đầu tiên của cơ quan quản lý trong việc trực tiếp nhắc nhở cá nhân, hộ gia đình quản lý thú nuôi trong nhà.
Về phía người dân, cần mạnh dạn nhắc nhở, góp ý với chủ nuôi nếu bị ảnh hưởng đến sự an toàn, môi trường, xã hội.
Tiếp đến, việc chế tài xử phạt cần triệt để hơn. Việc nuôi chó, mèo so với nhiều vấn đề xã hội khác có thể không lớn nhưng nếu không xử lý triệt để thì dễ dẫn đến tâm lý "được nước làm tới", xem thường kỷ cương và quyền lợi của cộng đồng.
Hiện nay, ngày càng nhiều cửa hàng bán chó, mèo được mở ra, đáp ứng nhu cầu nuôi thú cưng của nhiều người. Như vậy, cơ quan quản lý có thể đưa ra những quy định bắt buộc trong việc nhập, bán chó, mèo với các khía cạnh như: chứng nhận đã tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm, bệnh dại; thông tin về giống chó, mèo... để ngăn chặn từ đầu phần nào hệ quả tiêu cực từ chuyện bệnh tật của thú nuôi.
Luật sư TRẦN MINH HÙNG, Đoàn Luật sư TP HCM:
Ý thức của người dân, quyết tâm của chính quyền
Đề xuất của Sở NN-PTNT TP HCM về việc gắn chip điện tử để quản lý chó, mèo là khá cần thiết, tiện lợi. Nếu áp dụng các biện pháp quản lý bằng công nghệ thì rất có ích trong việc theo dõi tình trạng chó, mèo như lịch tiêm chủng, sổ khám bệnh..., cũng như hạn chế được việc thất lạc vật nuôi.
Việc gắn chip cho chó, mèo cũng giúp cơ quan chức năng nhanh chóng xác định được chủ vật nuôi đang thả rông để thông báo, xử lý vụ việc. Ngoài ra, việc triển khai các giải pháp quản lý đàn vật nuôi cũng cần thiết để bảo đảm không gian chung cho những người xung quanh.
Tuy nhiên, việc quản lý vật nuôi bằng công nghệ cũng cho thấy nhiều hạn chế. Thứ nhất, xét về chi phí, không phải ai cũng có khả năng đáp ứng việc gắn chip điện tử cho vật nuôi.
Thứ hai, khi gắn, liệu chip có phù hợp với mọi loại chó, mèo hay không vì cơ địa mỗi con vật sẽ khác nhau?
Thứ ba, khi gắn chip cho chó, mèo thì song song đó phải có nhiều máy quét, đọc dữ liệu. Nếu thông tin của chủ vật nuôi không chính xác hay không được cập nhật thường xuyên; không có một cơ sở dữ liệu về vật nuôi rộng lớn thì chip gắn sẽ không có giá trị. Hơn nữa, việc gắn chip còn tùy thuộc vào ý thức của người dân và quyết tâm giải quyết triệt để, áp dụng mạnh tay quy định pháp luật của chính quyền.
Với việc buộc người nuôi chó, mèo phải đăng ký kê khai 2 lần/năm là cần thiết trong bối cảnh nhiều trường hợp vật nuôi gây ồn ào, mất vệ sinh nơi công cộng, tấn công người, gây tai nạn giao thông. Song, việc này có thể vượt quá năng lực quản lý hiện nay. Ngoài ra, cũng chưa có chế tài nếu chủ nuôi không thực hiện.
Các quy định hiện hành của nhà nước hiện tương đối đầy đủ. Chẳng hạn, nhà có chó dữ phải thông báo, có biển hiệu; khi chó ra đường phải rọ mõm, có dây cương… Vấn đề là người thực hiện, gồm cả cơ quan nhà nước và người dân, có nghiêm túc hay không.
Tại TP HCM, việc áp dụng các quy định để quản lý và xử lý gặp nhiều khó khăn, do những quy định này chưa cụ thể, chi tiết đối với hoạt động chăn nuôi động vật làm cảnh, nhất là đối với những hộ nuôi chó với số lượng lớn. Do đó, nên đẩy mạnh tiêm ngừa cho chó, mèo sẽ có hiệu quả tốt hơn trong việc kiểm soát bệnh dại.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa có quy định về điều kiện cho các điểm kinh doanh động vật làm cảnh, quy định về nuôi nhốt chó tại các phòng khám để bảo đảm tính nhân đạo và môi trường trong quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần thêm những chế tài xử lý khi người dân không tuân thủ quy định.
Chẳng hạn, nếu đã có quy định thì chó, mèo "đi lạc" có thể phạt tiền thêm với chủ nuôi; vật nuôi không gắn chip thì sẽ bị bắt, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, cần có quy định về việc xử phạt kẻ bắt trộm chó, mèo; áp thuế trên số lượng chó, mèo mà người dân đang nuôi...
KTS TRƯƠNG NAM THUẬN:
Cần xem lại một số quy định cho phù hợp
Trước hết, phải khẳng định quy định cụ thể về quản lý chó, mèo tại cộng đồng là cần thiết. Tuy nhiên, đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM cần được xem xét lại một số nội dung cho phù hợp với thực tế.
Đề xuất chuồng nuôi chó dữ phải bảo đảm không để mọi người tiếp cận, có bảng cảnh báo; chuồng cần chỗ ngủ phù hợp với điều kiện thời tiết, diện tích sàn tối thiểu mỗi con 10 m2, chiều cao - rộng tối thiểu 1,8 m... nên được cân nhắc.
Bởi lẽ, TP HCM là đô thị nén, không gian thiếu, chật hẹp, không phải ai cũng có đủ điều kiện làm chuồng nuôi như vậy. Cần bỏ điều này, thay bằng "không nuôi các loài chó dữ trong khu chung cư, dân cư có trẻ em, phụ nữ".
Chỉ được nuôi chó dữ ở vùng ngoại vi; dẫn đi dạo, chăm sóc ở các khu vực được quy hoạch cho phép. UBND TP HCM cũng nên quy định khung giờ được dắt chó, mèo đi dạo ở các khu vực đường phố, công viên; đồng thời phải có camera giám sát để bảo đảm an toàn cho người xung quanh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-4
Bình luận (0)