Sáng 19-5, tỉnh Tây Ninh tổ chức chuỗi sự kiện: Lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh, công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal, công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030 và khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh
Tham dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; cùng đại diện một số ban, bộ, ngành trung ương; các phái đoàn ngoại giao đến từ cơ quan Tổng Lãnh sự quán, Tham tán thương mại các nước: Úc, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Hungary, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia…
Phát biểu tại chuỗi sự kiện, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết sau hơn 10 tháng khẩn trương thi công dự án "Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN" hiện đại áp dụng 100% công nghệ cao, công nghệ xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, quy chuẩn quốc tế. Đây là dự án khởi đầu cho chuỗi từ tạo con giống, chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gà thịt, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
Cùng với lễ khánh thành là lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh của tỉnh Tây Ninh và công bố 7 dự án đầu tư mới của tập đoàn De Heus và tập đoàn Hùng Nhơn, với tổng vốn đăng ký là 2.500 tỉ đồng.
Đây là sự cam kết, đồng hành của doanh nghiệp trong hiện thực hóa quy hoạch tỉnh ở lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời minh chứng về một Tây Ninh năng động, trách nhiệm, nghĩa tình, giàu tiềm năng, là điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
"Chúng tôi trân trọng tình cảm, trách nhiệm, sự đồng hành và những đóng góp tích cực của Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus và tin tưởng, mong muốn rằng các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với địa phương, sớm hiện thực hóa thành công 7 dự án công bố tại sự kiện hôm nay" - ông Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu De Heus, đánh giá Tây Ninh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Gabor Fluit cũng chia sẻ thêm về 7 dự án trọng điểm thuộc giai đoạn 2 của dự án DHN Tây Ninh gồm: Hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu và nhà máy chế biến thực phẩm.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết luôn xem Tây Ninh là địa phương ưu tiên trong chiến lược phát triển của tập đoàn.
Tại chuỗi sự kiện, đại diện UBND tỉnh Tây Ninh, Hùng Nhơn và Công ty ORVIA Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đầu tư phát triển sản phẩm vịt giống, vịt thịt và sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay Tây Ninh có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ kết nối với các nước Đông Nam Á và nằm trên hành lang kinh tế, kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ.
Hiện nay, tỉnh Tây Ninh có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Năm 2023, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với đàn heo 297.000 con (tăng 28,5% so cùng kỳ) và đàn gia cầm trên 9,5 triệu con (tăng 5,6% so cùng kỳ); chăn nuôi trang trại chiếm 78% (tăng 8% so cùng kỳ)...
Nổi bật là thu hút mạnh mẽ đầu tư các dự án chăn nuôi. Trong đó, có các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty De Heus, Công ty BAF, Công ty Vinamilk với các dự án định hướng hình thành chuỗi giá trị và liên kết với người dân.
Đây được xem là các dự án tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh thời gian tới.
Bình luận (0)