Ngày 6-12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2024, định hướng kế hoạch năm 2025.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, năm 2012, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Sau hơn 12 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỉ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành ở Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỉ lệ chung ở hai giới là 20,8%.
Nhiều mô hình phòng chống tác hại thuốc lá
Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật. Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 ngàn tỉ đồng). Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.
Từ năm 2014 đến nay, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn lực cho các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và đơn vị nhằm triển khai hiệu quả luật.
"Sự đồng hành này đã tạo động lực thúc đẩy các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá được triển khai toàn diện, từ trung ương đến cơ sở. Nhiều địa phương như TP Hạ Long, TP Hội An, Huế... đã tiên phong xây dựng các mô hình môi trường không khói thuốc, đặc biệt là thành phố du lịch không khói thuốc, qua đó khẳng định sự quyết tâm của chính quyền và cộng đồng trong bảo vệ sức khỏe nhân dân"- ông Thuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Thuấn cũng nhắc lại việc Quốc hội đã thống nhất thông qua quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng các loại khí và chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người, bắt đầu thực hiện từ năm 2025.
"Quyết định này không chỉ nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng mà còn góp phần duy trì trật tự, an toàn xã hội. Quốc hội cũng giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các quy định cụ thể, đồng thời yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt đối với thanh thiếu niên, về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, và các chất gây hại khác"- ông nói.
Cần Thơ có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất nước
Chia sẻ tại hội nghị, bà Dương Tú Anh, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết nhằm theo dõi, đánh giá tình trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới và CDC Mỹ đã triển khai điều tra tình trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên toàn cầu (GATS). Việt Nam đã thực hiện 2 vòng GATS (2010, 2015).
Theo bà Anh, nghiên cứu này mô tả thực trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá (thuốc lá điếu, thuốc lào, shisha, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,...), hút thuốc lá thụ động ở người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên), mỗi tỉnh, thành phố khảo sát 2.400 người (1.200 nam, 1.200 nữ).
Nghiên cứu được tổng hợp số liệu từ 32 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội. Năm 2024 đã có 28 tỉnh, thành phố hoàn thành phân tích số liệu định lượng. Trong đó, Cần Thơ cao nhất với tỉ lệ 28,1% người trưởng thành sử dụng thuốc lá. Thấp nhất là tỉnh Nghệ An với 10,6 %, Hà Nội là 15,6%. Kết quả phân tích cuối cùng của nghiên cứu PGATS năm 2024 sẽ có vào cuối tháng 12 này.
Tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 28 tỉnh thành
Theo nghiên cứu này, hầu hết tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành đã giảm so với nghiên cứu trước đó. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Bộ Y tế cho rằng thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi. Khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng. Giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng cần mở rộng triển khai mô hình môi trường không khói thuốc, hệ thống tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng, hướng đến các khu vực vùng sâu, vùng xa,
Đồng thời, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, lồng ghép vào các chương trình giáo dục để hướng tới tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá mới.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các hành vi quảng cáo, đặc biệt trên internet, các hành vi nhập khẩu, lưu thông, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại hình thuốc lá mới,
Hỗ trợ các nghiên cứu về hành vi sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ cai nghiện và quản lý các vi phạm liên quan đến thuốc lá.
Bình luận (0)