Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) và Cơ quan quản lý thực tập sinh (OTIT) vừa ký kết "Bản ghi nhớ hợp tác về việc triển khai chương trình thực tập kỹ năng". Bản ghi nhớ này là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhằm tạo cơ chế hợp tác tốt khi thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan đầu mối được Chính phủ hai nước giao thực hiện chương trình hợp tác lao động.
Hiện Việt Nam đã trở thành nước có số lượng thực tập sinh lớn nhất trong 15 quốc gia phái cử TTS sang Nhật Bản. Từ năm 1992, Việt Nam đã bắt đầu đưa tu nghiệp sinh đi Nhật Bản theo chương trình tiếp nhận tu nghiệp sinh người nước ngoài của Nhật Bản. Trong hơn 20 năm qua, đã có trên 150.000 lượt lao động tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng và số lượng TTS Việt Nam được phía Nhật Bản tiếp nhận vẫn không ngừng tăng hàng năm. Không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng phái cử TTS Việt Nam gần đây cũng có những cải thiện rõ rệt, tiêu biểu là năm 2016 đã có khoảng 40.000 TTS Việt Nam sang Nhật Bản theo chương trình này.
Trước đó, ngày 28-11-2016, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật triển khai Chương trình thực tập kỹ năng đúng quy định và bảo hộ thực tập sinh kỹ năng với một số nội dung chủ yếu như: cấp phép cho tổ chức quản lý; tăng thời gian thực tập tại Nhật Bản từ 3 năm lên 5 năm, nâng hạn mức tiếp nhận thực tập sinh cho các tổ chức quản lý và tiếp nhận được đánh giá tốt và mở rộng ngành nghề cho phép tiếp nhận thực tập sinh hộ lý người nước ngoài.
Luật mới cũng đưa ra thay đổi căn bản trong cơ chế quản lý chương trình thực tập kỹ năng cho người nước ngoài là thành lập Cơ quan quản lý thực tập sinh (OTIT) trực thuộc Chính phủ, cụ thể là trực thuộc Bộ Lao động, Y tế và phúc lợi xã hội Nhật bản, cơ quan này có chức năng cấp phép, quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức quản lý và tổ chức tiếp nhận TTS.
Bình luận (0)