Bộ LĐ-TB-XH vừa thông báo danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2019. Theo ông Nguyễn Gia Liêm – Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, theo danh sách vừa được công bố, toàn quốc có tới 40 quận/huyện thuộc 10 tỉnh/thành thuộc diện bị tạm dừng tuyển chọn lao động. Nguyên nhân, đây là các địa phương có tỷ lệ lớn người lao động hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hàn Quốc nhưng bỏ trốn ra ngoài, không về nước theo đúng thời hạn.
Nghệ An đứng đầu danh sách
Thống kê của ngành chức năng trong tỉnh Nghệ An cho thấy, 9 địa phương này có tới 1.661 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tính đến ngày 31.1.2019. Trong đó có những địa phương tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước (từ 1.1.2018 đến 31.1.2019) chiếm tới từ 50-58% như Nghi Lộc, Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu.
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An, năm 2019 tỉnh tiếp nhận khoảng 2.000 hồ sơ để đi lao động tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, số lao động này sẽ gặp khó do phía Hàn Quốc thông báo dừng tiếp nhận lao động thuộc 9 huyện/thị nói trên.
Trước đó, năm 2018 Nghệ An có 10 huyện nằm trong diện bị cấm đưa lao động sang Hàn. Nhờ quyết liệt trong việc triển khai các giải pháp đưa lao động về nước đúng thời hạn, năm 2018 huyện Tân Kỳ là địa phương duy nhất của tỉnh Nghệ An được dỡ bỏ lệnh cấm.
Ngoài 9 huyện/thành phố nằm trong danh sách bị tạm dừng tuyển chọn lao động nói trên, theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc ký với Chính phủ Việt Nam, Nghệ An có 4 huyện nghèo và 2 xã bãi ngang thuộc thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu vẫn được phía bạn tiếp nhận sang làm nông nghiệp, ngư nghiệp và lao động chất lượng cao.
Hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng
Chị Lương Thị Tám (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, chị học tiếng Hàn đã được 2 năm, nhưng hai năm liên tiếp huyện quê nhà chị đều vào diện bị cấm đưa lao động sang Hàn Quốc. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến chị và những lao động khác có nhu cầu xuất ngoại làm việc như chị.
"Hai năm theo đuổi, học tiếng Hàn tốn bao tiền của, công sức, thời gian, giờ mãi vẫn không được thi, không được đi. Công việc tạm hoãn nên không kiếm được tiền, nợ nần không có nguồn trả. Cũng bởi điều này mà vợ chồng trong nhà lục đục. Bây giờ lại hoãn thì chắc tôi chẳng chờ được nữa. Vợ chồng tôi đang dự định đi vào Nam làm công nhân" – chị Tám nói.
Theo thông tin mà chị Tám nói thì nhiều lao động cùng trong diện của chị đã tìm cách lách luật để đi XKLĐ. "Nhiều người học xong mà nhiều năm không đi được, tốn hàng chục triệu tiền ăn, học giờ lại phải lo lót thêm vài chục triệu nữa để chạy chuyển hộ khẩu sang các địa phương không bị dừng tuyển chọn lao động đi làm việc ở Hàn để được sớm đi làm việc" – chị Tám chia sẻ thêm.
Theo chị Tám, chị và nhiều lao động khác rất bức xúc vì "lệnh cấm" này quá bất công, chả khác nào "kẻ ăn ốc, người phải đổ vỏ". Bản thân họ không làm gì gây ra lỗi, nhưng chỉ vì lao động khác ở địa phương bỏ trốn mà họ mất đi cơ hội tìm kiếm việc làm.
Lao động thi tiếng Hàn tại Hà Nội. Ảnh: Minh Nguyệt
Trước tình trạng người lao động bỏ trốn, nhiều địa phương đã có kế hoạch tuyên truyền, kéo giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống dưới mức quy định. Ví dụ như, tại Nghệ An, Sở LĐTBXH tỉnh đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An giao trách nhiệm cho Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị trong việc thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp của địa phương. Đồng thời, Sở cũng đề nghị đưa tỷ lệ người lao động ở lại và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống dưới 30% vào tiêu chí xếp loại thi đua cuối năm đối với UBND các huyện, thành, thị.
Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp Trung tâm lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức các hội nghị tuyên truyền chống lao động bỏ trốn. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng đến nay, toàn tỉnh này vẫn còn hơn 500 lao động bỏ trốn. Hiện tỉnh vẫn còn 1 huyện bị dừng tiếp nhận lao động trong năm 2019. Ông Nguyễn Thế Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang cho biết, mỗi năm tỉnh Bắc Giang đưa được 4.000 - 4.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài và hiện khoảng 25.000 lao động của địa phương này đang làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.100 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, trong đó năm 2018 có gần 400 lao động xuất cảnh, với mức lương cơ bản từ 30 - 40 triệu đồng/người/tháng.
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2018 tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước chiếm đến 41,38%, cao hơn 12,49% so với năm 2017. Tỷ lệ này cũng cao gấp 2,5 lần so với các quốc gia có lao động phái cử sang Hàn Quốc làm việc. Mục tiêu giảm xuống mức 30% tỷ lệ lao động Việt Nam hết hợp đồng không về nước đã không đạt được.
Bình luận (0)