Từ tháng 8.2012, Việt Nam đã không ký được Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Do tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước cao (lên đến 55% vào cuối năm 2011, đầu năm 2012).
Sau thời gian triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, ngày 17.5.2016, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký bản MOU bình thường, chính thức nối lại việc phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS sau gần 4 năm bị gián đoạn.
Trong đó, có chính sách hạn chế tuyển chọn lao động đối với một số địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc.
Theo yêu cầu của phía Hàn Quốc, hàng năm, hai bên sẽ rà soát tình hình, số liệu lao động cư trú bất hợp pháp của các quận/huyện/ thị xã/thành phố thuộc tỉnh của Việt Nam theo lộ trình và mục tiêu nêu trong MOU.
Trao đổi Lao Động chiều 9.5, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: " 40 quận, huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn trên 60 người sẽ bị hạn chế tuyển lao động đi làm việc Hàn Quốc năm 2019. Bên cạnh đó, 60 quận, huyện còn lại là nằm trong danh sách cảnh báo phải xem xét vào thời điểm cuối năm 2019".
Theo vị này, những địa phương bị hạn chế chỉ áp dụng cho lao động sẽ tham gia kỳ thi tới đây. Thực tế, sau khi thi xong, người lao động cũng chưa thể đi được ngay. Hồ sơ của người lao động trúng tuyển sẽ được đưa lên mạng. Trong vòng 2 năm, người sử dụng lao động sẽ lựa chọn. Mặt khác, đối với lao động ngư nghiệp ở một số vùng khó khăn nhưng thuộc địa phương bị hạn chế thì vẫn được cho phép thi.
Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, tỷ lệ lao động bỏ trốn được phía Hàn Quốc theo dõi trên hệ thống và thông báo cho phía Cục hàng tháng. Bên cạnh đó, việc người lao động hết hạn hợp đồng nhưng cư trú bất hợp pháp sẽ được Hàn Quốc theo dõi và thông báo. Trung tâm lao động ngoài nước được ủy quyền thực hiện các thống kê kỹ thuật. Bên cạnh đó, trung tâm này gửi thông báo cho các địa phương đang ở mức độ cảnh báo, địa phương nào đã ở mức độ cao.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước nói thêm, việc Hàn Quốc phân bổ chỉ tiêu tăng hay giảm là dựa trên cân nhắc tỷ lệ người lao động hết hạn nhưng không về nước. "Hạn chế tuyển chọn đối với các quận, huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao đã có sự thống nhất giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hai bên đã trao đổi với nhau và đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tuyên truyền, vận động, kêu gọi; tăng mức ký quỹ cho đối tượng người lao động mới khi sang Hàn; thậm chí tăng mức xử phạt với lao động bỏ trốn", vị này nhấn mạnh.
Bộ LĐ-TB-XH chính thức công bố công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2019.
Trong đó, có 100 quận/huyện có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% thuộc 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc, thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2019.
Tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2019 đối với 40 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên trong số 100 quận/huyện nêu trên.
Bình luận (0)