Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách pháp luật - Kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng, Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Phóng viên: Thưa ông, người lao động Việt Nam sang làm việc ở Hàn Quốc, hết hạn hợp đồng vẫn trốn ở lại là câu chuyện đáng buồn và đây không phải lần đầu bị “cấm”. Ông có suy nghĩ gì?
Ông Đặng Quang Điều: Cá nhân tôi không đồng tình với việc này. Bởi, đây là việc làm gây tác động “kép”: Vừa vi phạm quy định về pháp luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; vừa vi phạm các hợp đồng lao động đã ký với nước ngoài cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ), ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao động khác đang mong muốn đi làm việc ở Hàn Quốc theo con đường này.
Theo ông, trách nhiệm thuộc về những đơn vị nào?
Có nhiều cơ quan liên quan. Thứ nhất, doanh nghiệp XKLĐ, đơn vị trực tiếp đưa người lao động đi phải có trách nhiệm quản lý, yêu cầu họ về nước khi hết hợp đồng. Thứ hai, cơ quan quản lý về XKLĐ phải có trách nhiệm. Bởi, cơ quan này giúp tham mưu cho Nhà nước trong việc quản lý lao động người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, trong đó có Hàn Quốc. Thứ ba, địa phương tồn tại thực trạng người đi làm việc ở nước ngoài có một phần trách nhiệm yêu cầu người lao động trở về đúng thời hạn. Bởi, người Việt Nam đi XKLĐ ở Hàn Quốc có hộ khẩu tại địa phương, có gia đình đang được quản lý tại địa phương. Ngoài ra, cơ quan quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cũng có một phần trách nhiệm.
Như vậy, chúng ta đang quản lý lỏng lẻo hay luật pháp thiếu chế tài, thưa ông?
Có nhiều cách quản lý để buộc lao động hết hạn hợp đồng phải về nước. Tuy nhiên, cũng phải xem xét vì có phương pháp rất hiệu quả nhưng không phù hợp với quy định của pháp luật. Tôi đề nghị rà soát lại một cách đồng bộ các quy định của pháp luật hiện hành đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc xem cần bổ sung, điều chỉnh pháp luật nào. Ví dụ như vấn đề đặt cọc, vài trăm triệu đồng với lao động đi Hàn Quốc không phải lớn. Hoặc giữ hộ chiếu, các giấy tờ lại không phù hợp với pháp luật hiện hành. Khi người lao động không tự giác, cần tăng sự ràng buộc, có chế tài cụ thể. Nhưng với những chế tài chưa phù hợp quy định pháp luật hiện hành phải sửa chế tài cho phù hợp.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM nêu ý kiến: "Tôi nghĩ, đơn vị quản lý, tổ chức đưa người đi lao động nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng phải làm công tác tập huấn, giáo dục tư tưởng tốt hơn. Bởi đây không phải lợi ích cá nhân mà còn là lợi ích, uy tín của quốc gia. Thêm nữa, quản lý Nhà nước tạo điều kiện cho lao động đi nhưng phải có ràng buộc về nhiều mặt, kể cả tài sản, quan hệ nhân thân… vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa tạo điều kiện cho đối tác. Cũng phải đặt dấu hỏi tại sao ở một số nước tình trạng bỏ trốn không nhiều mà chỉ tập trung một số nước, nhất là Hàn Quốc. Không nên chỉ đổ lỗi cho người lao động".
Bình luận (0)