Bạn cần hết sức cẩn trọng bởi tiết lộ những điều "không nên" có thể gây ảnh hưởng đến công việc của bạn.
Theo chia sẻ của Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn, một trong những trang web uy tín trong lĩnh vực tuyển dụng và tìm kiếm việc làm thì bất kể bạn giỏi giang hay đạt được thành tích xuất sắc thế nào thì có những điều nói ra sẽ thay đổi ngay lập tức cách nhìn của mọi người về bạn.
Những điều này thường ẩn chứa hàm ý tiêu cực có thể ngầm phá hoại sự nghiệp của bạn. Vậy đó là vấn đề nào?
Dưới đây là 7 điều mà người thông minh không bao giờ nói nơi công sở, hãy cùng tham khảo để đảm bảo được hình ảnh cá nhân cũng như con đường sự nghiệp của mình nhé!
Họ ghét công việc của mình
Một điều mà bất cứ ai cũng không muốn nghe thấy ở nơi làm việc là ai đó nói rằng họ ghét công việc đang đảm nhận. Phàn nàn về công việc cho thấy bạn là người tiêu cực, chứ không phải là một thành viên có hiệu quả của đội nhóm. Thái độ này làm giảm tinh thần của những người xung quanh và các nhà quản lý sẽ nhanh chóng phát hiện, có thể họ sẽ thay thế bạn bằng một người khác nhiệt tình hơn.
Họ nghĩ rằng đồng nghiệp không đủ năng lực
Không có bất cứ lợi ích nào khi đưa ra một lời gièm pha về đồng nghiệp. Nếu nhận xét của bạn là chính xác, thì tất cả mọi người đều biết điều đó, vì vậy bạn không cần phải chỉ ra. Ngược lại, nếu nhận xét đó không chính xác, bạn sẽ bị xem là một người "độc hại".
Trong công sở, sẽ có người sở hữu năng lực thấp hơn những người khác và rất có thể cấp trên, đồng nghiệp biết rõ điều đó. Nếu bạn không thể giúp họ cải thiện thì không có lí do gì để đưa ra các nhận xét tiêu cực về họ. Việc nói lên rằng ai đó kém năng lực không khiến bạn trông đẹp hơn, ngược lại khiến các đồng nghiệp khác có ý nghĩ tiêu cực về bạn.
Họ nghĩ rằng có sự thiếu công bằng
Mọi người đều biết rằng cuộc sống vốn không công bằng. Do đó, nếu nói rằng có điều gì đó không công bằng cho thấy rằng bạn nghĩ cuộc sống là công bằng, khiến bạn trông như người chưa trưởng thành và còn ngây thơ.
Nếu không muốn làm xấu hình ảnh của mình, bạn cần phải nhìn vào thực tế, liên tục cải thiện và duy trì tư duy mở. Ví dụ, bạn có thể nói "A đã được giao dự án mà tôi rất mong muốn. Anh/chị có phiền khi nói với tôi rằng yếu tố nào đã quyết định điều này không? Tôi muốn biết lí do tại sao anh/chị nghĩ tôi không phù hợp để tôi có thể cải thiện những kỹ năng đó."
Cho rằng công việc dễ để thực hiện
Nếu nói rằng việc gì đó chỉ mất một phút để thực hiện sẽ tạo ấn tượng rằng bạn có sự xem nhẹ và không thận trọng khi hoàn thành các nhiệm vụ. Thay vì vậy, hãy thoải mái nói rằng sẽ không mất nhiều thời gian, nhưng đừng quá cam kết công việc có thể được hoàn thành sớm hơn so với thời gian cần thiết.
Nói rằng họ sẽ thử làm điều gì đó
"Thử" một điều gì đó mới mẻ cho thấy rằng bạn thiếu tự tin vào khả năng của mình để thực hiện nhiệm vụ. Nếu được yêu cầu làm công việc nào đó, hãy cam kết thực hiện hoặc đưa ra giải pháp thay thế, nhưng đừng nói rằng sẽ thử vì có vẻ như bạn sẽ không cố gắng hết sức.
Cho rằng đó không phải là nhiệm vụ của họ
"Đây không phải là mô tả công việc của tôi" là cụm từ khiến bạn như thể chỉ sẵn sàng làm các yêu cầu tối thiểu nhất để nhận được tiền lương. Đó là một thói quen xấu nên tránh nếu muốn đảm bảo sự an toàn của công việc.
Nếu được yêu cầu làm một nhiệm vụ mà bạn cảm thấy không phù hợp với vai trò của mình (ngoại trừ các việc làm trái với đạo đức) thì cách tốt nhất là cố gắng hoàn thành một cách nhiệt tình. Sau đó, gặp gỡ sếp để thảo luận về vai trò của bạn trong công ty và liệu mô tả công việc của bạn có cần cập nhật lại không. Điều này giúp bạn tránh bị đánh giá là người nhỏ nhen, đồng thời tạo cơ hội để bạn và cấp trên có sự hiểu biết lẫn nhau về những gì nên hoặc không nên làm.
Nói rằng đó không phải là lỗi của họ
Không bao giờ đổ lỗi cho người khác được xem là một điều đáng làm. Khi bạn đảm nhận bất kỳ vai trò gì, dù nhỏ đến mức nào thì nếu có sai sót xảy ra, hãy chịu trách nhiệm đến cùng.Nếu không hãy đưa ra lời giải thích khách quan về những gì đã xảy ra. Hãy nói lên sự thật để sếp và đồng nghiệp tự đánh giá và rút ra kết luận của riêng họ về việc ai sẽ phải là người nhận lỗi.
Khoảnh khắc bạn đổ lỗi là lúc mọi người bắt đầu thấy bạn là người thiếu trách nhiệm giải trình cho hành động của mình. Điều này sẽ khiến cho một số người cảm thấy lo lắng, họ sẽ tránh làm việc cùng bạn và một số khác có thể đổ lỗi cho bạn khi có sự cố trước khi bạn kịp làm điều đó.
Bình luận (0)