Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 6-2022, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên cả nước là 24.576 tỉ đồng, chiếm 5,6% số phải thu (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó có hơn 3.500 tỉ đồng là của các doanh nghiệp (DN) đã bị phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài đã trốn khỏi Việt Nam... không có khả năng trả nợ, ảnh hưởng quyền lợi của hơn 200.000 người lao động (NLĐ).
Người lao động thiệt thòi
Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN đã xảy ra nhiều năm nay gây thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ. Để có chế tài đủ mạnh, tăng sức răn đe nhằm hạn chế tình trạng trên, năm 2015, các hành vi "gian lận BHXH", "gian lận BHYT", "trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ" đã được đưa vào điều 214, 215, 216 Bộ Luật Hình sự (BLHS). Bên cạnh đó, để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại các điều 214, 215 và 216 BLHS, tháng 8-2019, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều luật này.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho hay từ năm 2018 đến hết tháng 8-2022 đã có 42/63 BHXH tỉnh, thành phố thực hiện việc kiến nghị khởi tố DN có hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN tới cơ quan có thẩm quyền.
Tổng số vụ cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố là 382, trong đó có 362 vụ liên quan đến hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ (điều 216 BLHS). Trong giai đoạn đầu kiến nghị khởi tố, có 56 vụ bị cơ quan điều tra trả lại hồ sơ, không thụ lý giải quyết với lý do sau khi mời đơn vị sử dụng lao động lên làm việc thì họ có cam kết khắc phục tình trạng nợ đọng và trả nợ theo lộ trình.
Đối với số vụ còn lại, kết quả xử lý của cơ quan điều tra là: 118 vụ đang trong thời hạn giải quyết, 10 vụ bị tạm đình chỉ giải quyết, 186 vụ không khởi tố vụ án, 12 vụ đã khởi tố vụ án (gồm 10 vụ đang trong giai đoạn điều tra truy tố, 2 vụ bị tạm đình chỉ). Đối với số vụ quyết định không khởi tố vụ án thì lý do là cơ quan điều tra xác định hành vi vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định.
Chẳng hạn như hành vi vi phạm, việc xử phạt vi phạm hành chính xảy ra trước ngày 1-1-2018, thời điểm BLHS có hiệu lực; hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của DN không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác; DN chưa bị xử phạt vi phạm hành chính hay chủ DN là người nước ngoài đã bỏ trốn về nước... Với việc xử lý như trên, đến nay mới chỉ có 6 vụ được xét xử xong, có bản án, quyết định của tòa án và đã có hiệu lực pháp luật. Số tiền cơ quan BHXH thu hồi được từ thi hành án là hơn 1,9 tỉ đồng trong tổng số 2,2 tỉ đồng theo tòa phán quyết.
Người lao động tại một doanh nghiệp ở quận Tân Bình, TP HCM làm thủ tục khởi kiện đòi nợ BHXH
Khó xác định hành vi vi phạm
Tại buổi thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chế độ chính sách BHXH của Ủy ban Xã hội Quốc hội, Bộ LĐ-TB-XH cho hay kết quả xử lý DN nợ BHXH theo quy định của BLHS còn hạn chế là do vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là thiếu căn cứ pháp lý để xác định hành vi.
Chẳng hạn, điều 216 BLHS quy định một trong những dấu hiệu bắt buộc để xử lý hình sự đơn vị sử dụng lao động trốn đóng BHXH là "đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN mà còn vi phạm" nhưng hầu hết các trường hợp đề nghị khởi tố đã bị cơ quan BHXH ra quyết định xử phạt hành chính là đối với hành vi "Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN" nên cơ quan điều tra không thể khởi tố.
Hay như việc xác định hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác để không đóng, không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ cũng khiến BHXH các tỉnh, thành phố lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể. Khi bị điều tra, khởi tố, DN nợ đều cho rằng họ không dùng thủ đoạn cũng không cố ý không đóng mà do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, việc thu thập hồ sơ, tài liệu xác định tội danh hình sự về trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng gặp nhiều khó khăn do các đơn vị, DN không phối hợp, không cung cấp...
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhận định nếu tiếp tục duy trì cách xử lý hành vi chậm đóng, nợ đóng BHXH như hiện nay thì không bao giờ xử lý tận gốc được. Do vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiến nghị khi sửa đổi Luật BHXH, ngoài chú trọng điều chỉnh các hành vi mua bán sổ BHXH, rút BHXH 1 lần, cần quan tâm đến các quy định xử lý hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH của người sử dụng lao động.
Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, có 6 vụ nợ BHXH đã hoàn thành việc xét xử nghĩa là vẫn có thể thực hiện được. Do đó, các bộ, ngành liên quan nên tìm hiểu quy trình thực hiện các vụ việc này để có giải pháp thực hiện.
"Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan như Bộ LĐ-TB-XH, BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc xử lý hình sự DN nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN, góp phần khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ".
Bà NGUYỄN THÚY ANH, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Bình luận (0)