Hầu hết nạn nhân bị thương rất nặng và đa chấn thương, mà sẽ rất mất nhiều thời gian và tiền chưa chắc đã phục hồi được, trong khi hầu hết đều là người nghèo. Thực trạng lao động "toàn không" có lẽ không chỉ phổ biến ở Quảng Ninh và nếu không có biện pháp siết chặt, người lao động tự do sẽ tiếp tục đối mặt với những tai nạn khủng khiếp như trên.
Lao động nghèo gặp nạn
Sau gần một tuần điều trị, theo ông Trịnh Văn Mạnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, các bệnh nhân hiện đã vượt qua được thời khắc sinh tử và dần có tiến triển. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ còn kéo dài và vô cùng phức tạp bởi tất cả đều bị thương rất nặng và đa chấn thương, trong đó nạn nhân Ngô Thị Lượng bị vỡ đốt sống cổ, vỡ đốt sống lưng, chấn thương vùng kín, vỡ gan… do rơi từ độ cao trên 10m xuống đất. Xót xa hơn, chồng chị - anh Ngô Văn Hòa cũng nằm trong số 7 nạn nhân trên, hiện vẫn đang tiếp tục được điều trị ở Bệnh viện Bãi Cháy, trong tình trạng có thể sẽ phải cưa chân.
Các nạn nhân đang được chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy Ảnh: Báo Một Thế Giới
Bà Trần Thị Hiền (70 tuổi) cùng chồng nghe tin con trai và con dâu gặp nạn vội tức tốc từ Thanh Miện, tỉnh Hải Dương ra Hạ Long. "Chúng tôi phải chia nhau ra chăm hai đứa. Ông ấy thì chăm Hòa, còn tôi thì chăm Lượng. 3 cháu nhỏ của vợ chồng Hòa - Lượng phải gửi họ hàng ở quê nhờ trông nom" - bà Hiền nói trong nước mắt. Theo bà Hiền, cuộc sống gia đình anh Hòa rất khó khăn: Không việc làm, bố là thương binh thường xuyên nằm viện, các con đang tuổi ăn học. Vì thế, anh Hòa - chị Lượng đưa nhau ra Móng Cái, anh làm thợ xây, chị làm thợ hồ.
Nhận được tin chồng - anh Bùi Phú Vững (40 tuổi, Thanh Miện, Hải Dương) gặp nạn, chị Vũ Thị Thường vội ôm con nhỏ từ quê ra chăm chồng, bởi con nhỏ không biết gửi cho ai. Chị cho biết, ở nhà chị chỉ làm ruộng vườn phụ thêm, còn anh Vững đi làm khắp nơi kiếm tiến gửi về gia đình mới đủ sống qua ngày. Theo các bác sĩ, nạn nhân Vững chẩn đoán gẫy hở 2 xương bàn chân bên phải, gẫy vỡ cột sống thắt lưng có chèn ép tủy…
Được biết, 7 nạn nhân trong vụ rơi vận thăng ở Móng Cái chiều 30-5-2017 đều có hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm nên ra Móng Cái làm thợ hồ, thợ xây.
Ngó lơ an toàn lao động
Vụ vận thăng rơi ở Móng Cái thêm một lần nữa cảnh báo về sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, sự bất chấp, tùy tiện của những người sử dụng lao động và cả người lao động. Hiện, chưa cơ quan nào có thống kê chính thức mỗi năm có bao nhiêu lao động tự do từ các vùng quê khác ra Quảng Ninh kiếm công ăn việc làm thời vụ như 7 nạn nhân trên, nhưng con số có thể lên tới cả vạn người.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng vấn đề bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho đối tượng lao động này đang bị bỏ ngỏ. Theo ông Đỗ Văn Khánh - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, thuộc LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh, với những công trình nhỏ, khi nhờ một người hoặc nhóm người xây dựng thì có thể thỏa thuận miệng mà không cần ký hợp động, nhưng khi xảy ra tai nạn phải đền bù chi phí. Nếu doanh nghiệp (DN) đứng ra làm chủ thầu xây dựng thì buộc phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động (NLĐ) và trước khi bắt tay vào việc, NLĐ phải được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động… "Công ty đứng ra làm chủ thầu xây dựng phải có đủ hồ sơ năng lực, gồm năng lực về tài chính, trang thiết bị và đặc biệt là nhân sự, trong đó NLĐ phải được ký hợp đồng, có bảo hiểm, được huấn luyện về công tác an toàn - vệ sinh lao động… Tuy nhiên, thực tế rất ít đơn vị thực hiện điều này" - ông Khánh cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thậm chí ở những công trình lớn của những tập đoàn, DN lớn, những vấn đề như ông Khánh nói thường ít được quan tâm, bởi nhà thầu chính thường xé lẻ hợp đồng, giao cho các nhà thầu phụ và các nhà thầu phụ muốn làm gì thì tùy. Vì thế, nếu NLĐ nào may mắn làm cho các công trình của những nhà đầu tư lớn chẳng may gặp tai nạn thì mới có thể được đền bù cao để… bịt thông tin.
Vụ vận thăng rơi ở Móng Cái hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, trong đó có cả vấn đề hợp đồng, chế độ bảo hiểm, an toàn lao động đối với NLĐ. Vụ việc một lần nữa cho thấy, nếu chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng còn tiếp tục bỏ ngỏ NLĐ tự do thì những tai nạn đáng tiếc sẽ tiếp tục xảy ra. "Quá nhiều vi phạm ở các công trình xây dựng, chỉ có điều chưa thấy các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm, dẫn đến tình trạng ai chết thì cứ chết và chỉ đến khi tai nạn xảy ra thì đi khắc phục hậu quả và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là NLĐ tự do" - một chuyên gia về lĩnh vực an toàn lao động chia sẻ.
Vụ tai nạn lao động xảy ra vào khoảng 18 giờ 30 ngày 30-5, tại công trình Văn phòng và trung tâm thương mại công ty Hùng Thắng Phát, số 37, đại lộ Hòa Bình, khu 3, phường Trần Phú, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tại công trình đang xây dựng ở địa điểm trên, 7 công nhân đang di chuyển trên vận thăng đã gặp sự cố rơi xuống đất và bị thương.
Danh tính 7 nạn nhân được xác định gồm: Lò Văn Hoài (24 tuổi), quê huyện Bá Thước, Thanh Hóa. 6 người cùng quê Thanh Miện, Hải Dương gồm: Bùi Phú Vững (40 tuổi); Ngô Thị Lượng (44 tuổi); Ngô Văn Hòa (45 tuổi); Trần Văn Thanh (35 tuổi); Nguyễn Văn Giang (36 tuổi); Vũ Văn Sơn (24 tuổi).
Bình luận (0)