Chính vì vậy, mọi người “dòm ngó” nhau rất dữ, hơn thua từng chút. Ai cũng cố tìm cho mình ưu điểm nổi bật so với đồng nghiệp; nào là siêng năng, chăm chỉ, cần cù, đi làm đúng giờ, sắp xếp hàng hóa bắt mắt, không sai sót khi tính tiền...
Cuối cùng, số cán bộ quản lý từ tổ trưởng trở lên được xếp loại A, đa số còn lại loại B và nhân viên bảo vệ kiêm giữ xe được xếp loại C vì anh ta chẳng có đóng góp gì vào việc tăng doanh thu của cửa hàng. Mọi người vui vẻ chấp nhận kết quả bình chọn. Anh bảo vệ lặng lẽ quay về với công việc của mình.
Ngay lúc đó, có một phụ nữ chở đứa con nhỏ trên chiếc xe máy ghé cửa hàng. Đứa bé ngủ gật phía trước, chị loay hoay chưa biết làm sao. Tôi thấy anh bảo vệ chạy đến gần. Người phụ nữ nhờ anh mua giùm bó rau, anh vui vẻ báo lại cho nhân viên bán hàng, sau đó chạy ra chỗ chị thông báo số tiền cần trả rồi cầm tiền vào cho cô thu ngân. Lấy lại tiền dư, anh mang bó rau cẩn thận máng vào xe cho chị. Chị chạy đi sau khi rối rít cảm ơn. Tôi bắt đầu chú ý đến anh bảo vệ ít nói, hay cười.
Nhiều hôm sau, tôi thấy mỗi khi có khách ghé cửa hàng, anh bảo vệ đều nhiệt tình dắt xe vào, ra cho khách. Khi khách mua hàng nhiều, anh lại giúp cột lại cẩn thận. Một chị khách đã đứng tuổi nói với tôi: “Tôi thích ghé cửa hàng này là vì ở đây có chú bảo vệ nhiệt tình chớ ngay cạnh cơ quan tôi cũng có cửa hàng mà tôi không mua”.
Tôi giật mình. Vị khách hàng đã giúp tôi nhận ra một thực tế khác. Trước nay, tôi vẫn quan niệm chỉ những cán bộ quản lý mới quyết định kết quả kinh doanh của đơn vị; còn những nhân viên bình thường như anh bảo vệ thì chẳng qua chỉ là “thiên lôi, sai đâu đánh đó” chứ không đóng góp được gì.
Sự thật không phải vậy. Cửa hàng của chúng tôi lúc nào cũng đông khách có một phần nguyên nhân từ cách chăm sóc khách hàng tận tụy của nhân viên, trong đó có anh bảo vệ. Tôi nghĩ đến lần bình xét thi đua sau. Chắc chắn tôi sẽ bầu cho anh 1 phiếu A và thuyết phục mọi người cũng làm vậy vì anh rất xứng đáng.
Bình luận (0)