Tuy nhiên, chị vẫn thấy buồn vì phải xa công ty; xa những người đồng nghiệp đã đồng cam, cộng khổ với mình trong một thời gian dài. Biết chị buồn nên thỉnh thoảng anh chị em đồng nghiệp cũ vẫn đến chơi hoặc gọi điện thoại trò chuyện, động viên.
Cho đến một ngày cuối tháng 12-2016, chị nhận được tin nhắn từ ngân hàng - nơi trước đây công ty vẫn trả lương cho nhân viên. Đọc mấy dòng đầu tiên của tin nhắn, chị ngỡ người ta nhắn nhầm chứ chị nghỉ việc đã mấy tháng thì đâu còn dính dáng gì chuyện tiền nong với công ty. Số tiền theo thông báo hơn 15 triệu đồng chớ ít đâu?
Thấy chị tần ngần, thằng con lớn của chị giục: “Mẹ kéo xuống coi hết tin nhắn xem tiền gì?”. Hiện ra trước mắt chị là dòng chữ “tiền vượt kế hoạch năm”. Thì ra là cuối năm công ty tính toán, khen thưởng cho đóng góp của người lao động. Giám đốc công ty đã không quên ai. Chị tôi làm 8 tháng thì được nhận khoản tiền tương ứng với thời gian làm việc. Hơn 15 triệu đồng với chị trong thời điểm năm hết, Tết đến không phải nhỏ. Chị rưng rưng nước mắt khi nhắn tin cho giám đốc và chủ tịch Công đoàn: “Cảm ơn mọi người đã không quên tôi. Tết này với tôi sẽ vô cùng ấm áp”.
Thật lòng mà nói, hiện nay những người sử dụng lao động cư xử nghĩa tình như vậy với người lao động không nhiều. Có những ông bà giám đốc cố ý ký hợp đồng có thời hạn chấm dứt vào những tháng cuối năm để khỏi chi thưởng. Không ít chủ doanh nghiệp phải chờ người lao động thắc mắc, kiện tụng mới chịu trả thưởng cho thời gian làm việc chưa đủ năm. Còn rất nhiều kiểu o ép khác mà không phải người lao động nào cũng biết để đi đòi.
Tôi nhớ tới ánh mắt rưng rưng và nụ cười của chị tôi khi xem dòng tin nhắn. Đó không đơn thuần là tiền mà chính là tình người, là cách cư xử phải đạo, có trước, có sau của người Việt Nam. Và với chị, công ty thực sự là nhà chứ không phải là quán trọ như nhiều người vẫn nói…
Bình luận (0)