Tại Việt Nam, cái tên nho giống Sáu Lang (tên cơ sở sản xuất nho giống của ông Lang) đã không còn quá xa lạ với những người chuyên trồng nho. Ông Lang chính là người góp công lớn đưa cây nho không chỉ đến với các tỉnh thành khắp cả nước mà còn ra thị trường nước ngoài. Sau 17 năm gắn bó với loại cây này, ông Lang cũng không thể đếm xuể những địa phương mà cây nho giống của ông đã có mặt.
Thất bại không nản
Nhấp chén trà nóng, ông Lang bắt đầu kể lại những ngày đầu gian khó của nghề trồng nho ở địa phương. Theo đó, vào những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều hộ dân ở vùng đất đầy nắng gió Ninh Thuận bắt đầu tiếp cận với cây nho và sống dựa vào loại cây này. Tuy nhiên vào thời điểm năm 1997 - 1998, ông Lang và những người trồng nho trong vùng phải trải qua một thời điểm cực kỳ khó khăn khi sâu rầy gây hại mạnh, đất đai thoái hóa, mưa trong 3 tháng liền khiến nho chết sạch.
Mỗi năm cơ sở của ông Lang xuất bán ra thị trường 1 triệu cây nho giống cho thu nhập 4 tỉ đồng/năm
Trước tình cảnh này, không ít người trong vùng cảm thấy chán nản và bỏ cây nho sang làm nghề khác nhưng ông Lang thì không. Ông cảm thấy mình có duyên và niềm đam mê với cây nho nên sau thất bại đó, ông luôn miệt mài tìm tòi, học hỏi trong các tài liệu, sách báo kỹ thuật trồng nho như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Quyết tâm của ông dường như cũng được đền đáp khi vào năm 1999, một cơ may đã đến với ông. "Lúc đó, tôi được đi tham dự hội thảo về giống nho ở Bình Thuận do một tập đoàn phi Chính phủ của CHLB Đức tài trợ. Tại hội thảo này, tôi được nghe các chuyên gia nông nghiệp báo cáo kỹ thuật cắt mắt ghép nho. Nhận thấy được kỹ thuật này cần được áp dụng vào sản xuất, đặc biệt là tại tỉnh Ninh Thuận nên đã tiếp cận 10 cành nho dại Couderc 1613 đưa về vườn nhân giống", ông Lang kể.
Từ đây, ông Lang quyết định sẽ dồn cả tâm huyết của mình vào cây nho và giúp bà con nông dân trong vùng làm giàu từ loại cây này. Năm 2000, ông đầu tư 100 triệu đồng trên diện tích 7.000m2 để mở trại ươm giống với thương hiệu Sáu Lang. Tuy nhiên, những năm đầu triển khai thì cơ sở kinh doanh của ông gặp muôn vàn khó khăn. Lượng nho ươm ra quá hạn không bán được đành bỏ đi. Nguyên nhân chủ yếu là vì bà con nông dân còn e dè chưa quen với kỹ thuật trồng nho mới nên không dám đưa vào canh tác.
Thu "trái ngọt"
Không chấp nhận bỏ cuộc, ông liền tìm đến từng hộ gia đình trồng nho giới thiệu sản phẩm và trực tiếp hướng dẫn chi tiết từ khâu xuống giống, kỹ thuật ghép cành, chăm sóc cho đến khi vườn nho kết trái và mang lại thành công ngoài mong đợi. Thấy hiệu quả từ kỹ thuật mới mà ông Lang chia sẻ, thời gian sau đó nhiều hộ gia đình đã tự tìm đến nhờ ông hướng dẫn kỹ thuật. Đến nay, hầu như tất cả những người trồng nho trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã áp dụng trồng nho theo phương pháp ghép cành trên cây nho dại.
"Để nâng cao chất lượng cây trồng, năm 2014 - 2015 tôi đã bỏ vốn gần 1 tỉ đồng đầu tư công nghệ như thiết bị thanh lọc nước, xây dựng nhà lưới, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ... nhằm thực hiệu quy trình ươm cây giống theo tiêu chuẩn VietGAP trên 3 trại ươm giống khép kín với tổng diện tích 1.000m2, tổng diện tích các loại nho nguyên liệu là 1ha", ông Lang cho biết.
Với sự đầu tư bài bản, kỹ thuật hiện đại, sản phẩm nho giống của ông Lang luôn đạt chất lượng cao, tạo được uy tín lớn trên thị trường. Trung bình mỗi năm, cơ sở của ông xuất bán ra thị trường các tỉnh trong nước và nước ngoài khoảng 1 triệu cây nho dại và nho ghép. Giá trung bình của các loại nho giống này khoảng 4.000 đồng. Tính ra trong vòng 1 năm ông thu được khoảng 4 tỉ đồng. Sau khi trừ tất cả các chi phí, ông lãi ròng khoảng 2 tỉ/năm.
Kỹ thuật ghép cây mới trên thiết bị xén và định hình mối ghép cây trồng do ông Lang sáng tạo hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao
Chưa dừng lại ở đó, trong vòng 2 năm trở lại đây, ông Lang vẫn không ngừng tìm hiểu để làm sao tăng hiệu quả hơn nữa từ cây nho. Nếu như trước đây ông và bà con nông dân thường sử dụng phương pháp ghép trực tiếp trên cây trồng thì bây giờ ông đã cải thiện bằng phương pháp ghép gián tiếp (ghép mắt sau đó mới ươm).
"Với phương pháp này thì hiệu quả hơn cách ghép thông thường rất nhiều điểm. Có thể kể đến như là năng suất cao hơn bình thường gấp 2 lần và thời gian xuống giống cho đến lúc thu hoạch cũng ngắn hơn khoảng 2 tháng. Không những thế, tỷ lệ cây sống từ phương pháp ghép gián tiếp như thế này rất cao (đạt từ 80 - 90%). Trong tương lai, nho trồng theo phương pháp ghép gián tiếp sẽ là hướng đi đầy hứa hẹn cho những người trồng nho muốn tăng hiệu quả kinh tế", ông Lang tâm sự.
Được biết, từ cách ghép gián tiếp này vào năm 2016, ông Lang đã tự mình nghiên cứu, sáng tạo ra một thiết bị xén và định hình mối ghép cây trồng viết tắt là SSE có thể ghép được trên cây nho, táo, cao su, hồ tiêu... So với cách ghép bằng tay thì sản phẩm này có hiệu quả gấp 20 lần. Hiện thiết bị xén và định hình mối ghép cây trồng của ông Lang đang chuyển giao công nghệ tại Cục Sở hữu trí tuệ...
Với những đóng góp của mình, ông Lang được Hội Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam trao tặng chứng nhận "Doanh nhân bản lĩnh trí tuệ và thương hiệu tiêu biểu vì người tiêu dùng 2014"; Kỷ niệm chương của Trung ương Hiệp hội Trang trại doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam vào năm 2016 cùng nhiều giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh Ninh Thuận, Hội Nông dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Bình luận (0)