Thông báo của giám đốc vừa dán buổi trưa thì buổi chiều đã bị xé mất. Thay vào đó là những dòng chữ nguệch ngoạc trên bảng: “Ông giám đốc đi chết đi!”.
Tôi nói điều nay với giám đốc, ông nổi giận đùng đùng: “Dán lại tấm khác”. Tôi lại cho nhân viên in bảng thông báo khác đi dán và ngồi canh chừng. Lát sau có người báo: “Công nhân lại viết bậy trong nhà vệ sinh. Họ còn chửi nặng hơn”. Tôi luýnh quýnh chạy vô xem. Đúng là trên tường nhà vệ sinh vẽ đầy những hình ảnh đi kèm những dòng chữ chửi mắng giám đốc thậm tệ. Anh bảo vệ bị gọi lên phòng giám đốc: “Các anh canh gác thế nào mà họ vô đó tung hoành mà chẳng ai hay? Đuổi hết!”.
Tất nhiên là không thể “đuổi hết” như lời giám đốc nhưng thật sự là mâu thuẫn giữa giám đốc với một số công nhân vẫn chưa thể hóa giải một khi giám đốc chưa thu hồi thông báo “Cấm ăn chay trong công ty. Ai vi phạm sẽ bị xem xét cho nghỉ việc ngay lập tức”.
Tôi làm phòng nhân sự, đứng giữa giám đốc và người lao động, không bênh ai, bỏ ai. Chỉ có điều là cả hai bên đều có lý và tôi không phải là quan tòa để phân xử công minh. Bí quá, tôi hỏi ý kiến một luật sư, anh ta trả lời: “Ở trong phạm vi công ty, giám đốc có quyền cấm”. Tôi hỏi một cán bộ Công đoàn cấp trên, chị trả lời: “Giám đốc làm như vậy là sai. Ăn chay là tập tục, tín ngưỡng của người lao động, là nhân quyền, không thể cấm. Cấm là vi phạm nhân quyền”. Tôi lại hỏi một trưởng phòng nhân sự khác thì nhận được câu trả lời: “Bộ giám đốc công ty chị rảnh lắm sao mà ban hành những thông báo ruồi bu như vậy?”.
Nghe xong tôi càng rối. Thật tình mà nói thì không phải bỗng dưng mà giám đốc ban hành một thông báo “trời ơi đất hỡi” như vậy. Công ty có hơn 500 công nhân, trong đó có khoảng 40 người ăn chay trường, 100 người ăn chay vào ngày mùng một và ngày rằm trong tháng.
Trước đây công ty vẫn tổ chức nấu món chay cho công nhân nhưng sau đó có người khen, chê; nói ra nói vào. Đỉnh điểm là lần nhà ăn cho ăn đậu que xào, chẳng biết sao mà hàng loạt công nhân bị đau bụng, ói mửa, tiêu chảy phải nhập viện. Sau lần đó, giám đốc thông báo ai ăn chay thì tự nấu ăn, công ty sẽ chi tiền cơm như ăn mặn.
Cứ tưởng là tháo gỡ được, ai dè lại nảy sinh chuyện khác. Công nhân nhận tiền nhưng lại hà tiện, nấu ăn không đủ chất. Có lần giám đốc kiểm tra đột xuất, thấy hầu hết công nhân ăn chay chỉ ăn cơm với rau luộc chấm tương chao. Hỏi thì họ bảo tiết kiệm. Hậu quả là có một lần công ty huy động tăng ca, gần 50 công nhân ngất xỉu vì... suy dinh dưỡng! Chuyện đó xảy ra ngay trước Tết. Chính vì vậy mà Tết vào, giám đốc ra ngay lệnh: “Cấm ăn chay trong công ty. Ai vi phạm sẽ bị xem xét cho nghỉ việc ngay lập tức”.
Sau khi tham khảo ý kiến nhiều người, tôi rụt rè bảo giám đốc: “Có lẽ như vậy là sai sếp à. Tốt nhất là thu hồi thông báo, sau đó mình tổ chức lại việc nấu ăn cho những công nhân ăn chay; sao cho bảo đảm an toàn, vệ sinh, đủ chất”. Vừa nghe tôi nói xong, giám đốc hầm hầm: “Thì trước đã làm rồi mà có được đâu? Không phải tôi muốn đụng chạm tâm linh, tín ngưỡng nhưng mà 9 người, 10 ý, tôi làm sao mà chiều chuộng được? Tôi là giám đốc chứ đâu phải bảo mẫu?”.
Và giám đốc nhất quyết không thu hồi thông báo. Còn công nhân thì đã rục rịch phản đối, dọa ngừng việc trong khi đơn hàng đã sát nách ngày giao. Tôi đứng kẻ giữa, phải làm sao đây? Việc giám đốc của tôi cấm công nhân ăn chay có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì vi phạm điều nào, khoản nào, luật nào?
Bình luận (0)