“Giám đốc phải sa thải ngay trưởng phòng nhân sự. Không thể chấp nhận việc ỷ quyền, cậy thế o ép, bắt chẹt công nhân (CN). Ai cũng có quyền tự do, tại sao lại bắt ép chúng tôi phải làm theo yêu cầu vô lý của công ty”. Đây là câu nói của một nam công nhân trong buổi làm việc để giải quyết cuộc ngừng việc xảy ra tại công ty của tôi. Chuyện xảy ra đã gần 10 năm nhưng tôi không bao giờ quên bởi đó là cột mốc đánh dấu sự thay đổi trong cung cách quản lý của công ty.
Dại dột khi kích động công nhân
Lần đó nhiều CN không chịu ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Chẳng biết nghe lời ai mà họ nhất quyết không chịu ký HĐLĐ vì sợ phải mất “phí” bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), phí Công đoàn... Thấy vậy, phòng nhân sự ra thông báo: “Ai không ký HĐLĐ thì rời khỏi công ty ngay lập tức”. Vừa thấy thông báo, nhiều CN kéo đến phòng nhân sự chất vấn. Chị Hương, trưởng phòng nhân sự, thấy vậy thì bực bội: “Quyền lợi của mấy người mà mấy người không quan tâm, vậy thì còn ở đây làm gì?”. Chưa hết, chị còn nói: “Bảo ký thì không ký nhưng mai mốt có chuyện gì lại đi thưa kiện tùm lum. Giữ mấy người ở lại đây chẳng khác nào nuôi mầm tai họa”.
Nói xong chị gọi điện thoại cho bảo vệ, yêu cầu đuổi ngay các CN ấy ra khỏi nhà máy. Trong khi bảo vệ “áp giải” CN ra cổng thì những người khác truyền tai nhau: “Ban giám đốc đàn áp CN”. Ngay lập tức, các xưởng ngừng hoạt động. CN ùn ùn kéo lên văn phòng. Trưởng phòng nhân sự sợ quá, đóng chặt cửa. Trong số CN, nhiều người bực tức đập, xô cửa, vác đá liệng vào cửa kính... Tôi đang họp ở UBND TP HCM, nhận được điện thoại, tức tốc chạy về...
Ai cũng cần được tôn trọng
Việc đầu tiên khi về đến công ty, tôi cho phát loa đề nghị anh chị em CN giữ trật tự, giám đốc sẽ trực tiếp đối thoại với CN. Phải mất gần 30 phút, trật tự mới được vãn hồi. Tôi hỏi một số CN vì sao phản ứng như vậy thì chẳng ai biết vì sao! Có cô CN rất trẻ, ấp úng nói: “Cháu thấy mọi người chạy đi nên chạy theo chớ không biết chuyện gì”. Lại có một chị CN đứng tuổi nói rằng mình bị mấy người khác kéo đi chứ thật tình chẳng hiểu có chuyện gì? Hỏi thêm vài người nữa, họ cũng nói giống như vậy.
Tôi quyết định hỏi trưởng phòng nhân sự. Chị trưởng phòng lúc này mặt vẫn còn tái xanh vì sợ. Chị kể cho tôi nghe đầu đuôi mọi chuyện và thừa nhận có thể do cách nói chuyện của mình đã gây hiểu nhầm, bức xúc. Tôi yêu cầu chị xin lỗi, chị làm ngay. Sau lời xin lỗi của trưởng phòng nhân sự, không khí dịu xuống hẳn. Bản thân tôi cũng xin lỗi CN vì cách hành xử của cán bộ quản lý dưới quyền. Tuy nhiên, sau đó, tôi nghiêm khắc nói: “Anh em cũng có cái sai. Nếu anh em muốn tiếp tục làm việc thì chúng ta phải giao kết HĐLĐ. Pháp luật bắt buộc như vậy. Cả tôi và các anh chị em đều có trách nhiệm phải thực hiện”.
Sau đó, tôi giải thích thêm về lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT và nhấn mạnh: “Lẽ ra, người trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH, BHYT cho anh chị em là giám đốc công ty bởi khoản chi phí đó khá lớn trong giá thành sản phẩm. Thế nhưng, công ty đã không né tránh trách nhiệm thì không có lý do gì anh chị em lại ngần ngại. Có điều gì không hiểu thì hỏi, tại sao lại hành xử nóng nảy như vậy? Tôi xin nói lại một lần nữa, cả tôi và các bạn đều phải tuân thủ luật pháp. Nếu ai không chấp nhận thì chúng ta sẽ chia tay nhau một cách lịch sự, có văn hóa”.
Tôi nói xong thì một nam CN đứng lên. Anh ta nói rằng nếu phòng nhân sự cũng nói chuyện với CN như giám đốc thì đã không có việc gì xảy ra. Anh ta nói: “Chúng tôi đi làm thuê kiếm sống, cũng biết thân phận mình nên không dám đòi hỏi gì. Nhưng chúng tôi muốn được tôn trọng bởi dù là giám đốc hay CN thì cũng có nhân phẩm như nhau”.
Tôi thoáng ngỡ ngàng nhưng nhận ra anh CN này hoàn toàn có lý. Từ đó, tôi yêu cầu cán bộ quản lý phải luôn ghi nhớ: Giám đốc hay CN cũng đều có phẩm giá như nhau và cần được tôn trọng. Với quan điểm điều hành, quản lý như vậy, công ty mới ổn định, phát triển như hiện nay.
Bình luận (0)